Ngày Núi quốc tế (11/12/2013): Những ngọn núi – chìa khóa của một tương lai bền vững

Những ngọn núi bao phủ khoảng ¼ bề mặt trái đất, là nơi cư trú của khoảng 12% dân số thế giới và giữ một vai trò thiết yếu trong quá trình chuyển đổi toàn cầu hướng tới sự tăng trưởng bền vững.
 


Chủ đề của Ngày Núi thế giới năm 2013: Những ngọn núi - chìa khóa
của một tương lai bền vững. (Ảnh: baomoi.com)

Với Nghị quyết 57/245, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 11/12 hằng năm để kỷ niệm Ngày Núi quốc tế, nhằm vận động ở tất cả các cấp lưu ý về tầm quan trọng của sự phát triển bền vững các ngọn núi. Năm 2013, Ngày Núi quốc tế được kỷ niệm với chủ đề: “Những ngọn núi – chìa khóa của một tương lai bền vững”.

Núi được đặc trưng bởi sự đa dạng khắc nghiệt, từ rừng mưa nhiệt đới cho đến băng vĩnh cửu và tuyết, khí hậu nơi có lượng mưa hàng năm lên tới 12m cho tới những vùng sa mạc và mực nước biển lên đến 9.000m. Đây cũng là những tháp nước của thế giới – cung cấp nước ngọt cho ít nhất một nửa dân số của hành tinh. Tuy nhiên, những ngọn núi cũng là môi trường có nguy cơ cao: Tuyết lở, sạt lở đất, núi lửa phun trào, động đất và lũ lụt do các hồ băng bị vỡ đe dọa tới cuộc sống trong các khu vực miền núi và các vùng lân cận. Núi đóng một vai trò quan trọng trong những tác động đến khí hậu toàn cầu và khu vực cũng như các điều kiện thời tiết.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, núi không chỉ đóng góp cho việc nuôi sống và sự sung túc của khoảng 720 triệu người hiện đang sống trong các khu vực miền núi trên khắp thế giới, mà còn cung cấp rất nhiều lợi ích gián tiếp cho hàng tỷ người sinh sống trong các khu vực hạ lưu. Núi cung cấp nước ngọt, năng lượng và thực phẩm – những nguồn lực được đánh giá là sẽ rất khan hiếm trong các thập kỷ tới.

Những người dân miền núi là những người nghèo nhất và khó khăn nhất trên thế giới. Họ thường bị gạt ra ngoài lề trong đời sống chính trị, xã hội và kinh tế, không được tiếp cận với các dịch vụ cơ bản như: Chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Ngoài ra, những thách thức mà thế giới hiện phải đối mặt trong giai đoạn hiện nay như: Biến đổi khí hậu, khủng hoảng kinh tế và sự gia tăng dân số cũng tạo ra các thử thách mà những người dân miền núi buộc phải trải nghiệm. Chính vì vậy, cách tiếp cận bền vững đối với sự phát triển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với khu vực miền núi. Qua nhiều thế hệ, người dân miền núi đã học được cách sống cùng với sự đe dọa của thiên tai và đã tự xây dựng được các hệ thống sử dụng đất thích ứng tốt và chịu được rủi ro. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, trong những thập kỷ trở lại đây, nhiều vùng núi đang ngày càng phải gánh chịu thiên tai tàn phá.

Để ứng phó với những thách thức và mối đe dọa toàn cầu, thế giới cần thông qua các biện pháp hành động toàn diện, trong đó có tính đến tất cả các khía cạnh của sự bền vững. Nhu cầu và mối tương quan giữa các yếu tố khác nhau của sự phát triển bền vững của các ngọn núi như: Nước, đa dạng sinh học, du lịch và cơ sở hạ tầng đều cần phải được tính đến.

Theo Liên hợp quốc, ở cấp độ chính sách, điều quan trọng là cần tăng cường các chính sách hiện có và thiết lập các thể chế, cơ chế quốc gia, khu vực và quốc tế mới và sáng tạo, dựa trên đặc thù các vấn đề liên quan đến núi. Ngoài ra, các Chính phủ cũng cần chú ý hơn đến việc quản lý rủi ro thiên tai ở vùng núi trong việc phát triển các biện pháp, cách tiếp cận và chính sách phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, phục hồi các khu vực và dịch vụ công.

Về mặt kinh tế, mức độ đầu tư và tài chính cho phát triển bền vững các vùng núi ở cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia và cộng đồng cần được tăng cường, đặc biệt nhờ vào việc phối hợp với khu vực tư nhân. Thêm vào đó, cần đầu tư thích đáng cho các dịch vụ môi trường vì việc làm này có khả năng cải thiện tình hình kinh tế của cộng đồng miền núi, từ đó hỗ trợ hiệu quả cho các dự án phát triển bền vững. Tất cả các biện pháp này cần được hỗ trợ bởi một môi trường thuận lợi thúc đẩy các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao được cung cấp bởi khu vực núi, nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm và dịch vụ này có thể tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường quốc gia và quốc tế, cải thiện đời sống và bảo vệ môi trường núi./.
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.