Chợ phiên vùng cao

Trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của chợ phiên việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống độc đáo mới là sản phẩm bền vững để thu hút du khách, nếu không, chợ phiên vùng cao sẽ vẫn là câu chuyện dài…

Ở vùng cao, thường vài xã mới có một cái chợ. Xuất phát từ địa hình đồi núi nên cư dân thưa thớt. Các bản làng không quần tụ trong những lũy tre khép kín như làng cổ truyền vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các gia đình vùng cao thường ở cách xa nhau, hiếm thấy hai nhà chung nhau “cái dậu mùng tơi”. Do vậy, người vùng cao ít có điều kiện giao lưu trong phạm vi làng, xã.

Nhưng giao lưu vốn là bản tính con người. Từ thượng cổ, người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ, mỗi làng đều có một ngôi đình làm nơi hội tụ. Người Tây Nguyên có ngôi nhà Rông cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu của dân làng… Ngày nay, khắp nơi đều có “nhà văn hóa” của làng bản, khu dân cư… Nhưng xem ra, “nhà văn hóa” hầu như chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân.

A1.jpg
Một góc chợ Cán Cấu (Si Ma Cai).

Vì thế, chợ phiên vùng cao, ngoài việc mua bán trao đổi, hàng hóa, còn mang chức năng quan trọng là tạo không gian để con người gặp gỡ nhau, như một nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Đó là tổng hợp những nét văn hóa địa phương độc đáo và phong phú.

Việc mua, bán những vật dụng sinh hoạt ở chợ phiên vùng cao diễn ra đơn giản. Người nuôi được đàn gà, đàn vịt, ôm trên tay đến chợ phiên bán, lấy tiền mua con dao, gói muối… Người nuôi được đàn lợn, chọn vài con buộc dây vào cổ, đưa xuống chợ bán để mua sắm đồ dùng gia đình. Người trồng được buồng chuối, vác xuống chợ phiên bán lấy tiền uống rượu…

Nhưng có một nhu cầu khác, chợ phiên còn là nơi người ta tìm đến nhau để giao lưu, kết bạn, chuyện trò, tâm sự… Đặc biệt, ở lứa tuổi đang “tìm hiểu” thì phải xuống chợ phiên. Chợ là nơi nam thanh nữ tú “nhòm ngó” nhau, từ “đầu mày, cuối mắt”, phát hiện ra tín hiệu của tình yêu đôi lứa…

Tục “kéo vợ” của người Mông từ xa xưa ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng xuất phát từ chợ phiên. Mỗi cuộc kéo vợ đã có sẵn “kịch bản”, chứ chẳng phải ngẫu hứng. Ở Hà Giang có chợ tình Khau Vai nổi tiếng. Phiên chợ dành cho những đôi nam nữ đã từng yêu nhau, nhưng do hoàn cảnh nào đó “không thành”, nay đến đây để gặp lại, ôn lại những kỷ niệm “tình yêu” ngày trước cho… đỡ nhớ.

Ở Lào Cai có chợ tình Sa Pa mọi người đã ít nhiều từng nghe. Lâu nay những người làm du lịch địa phương thường phục dựng chợ tình Sa Pa như một nét văn hóa đặc sắc để phục vụ du khách.

Theo quan sát của chúng tôi, đối với chợ vùng cao truyền thống, chợ nào cũng có một góc dành riêng cho đám mày râu - quán rượu. “Gặp bạn là gặp rượu” (thơ Đoàn Hữu Nam). Rượu giúp những người đàn ông gặp nhau, tâm tình, chia sẻ chuyện trên trời, dưới đất mà khi đến gần, chúng tôi cũng chả biết họ nói gì. Họ “phát sóng ngang” nhỏ nhẹ, không “chém gió” ồn ào như những vùng khác.

 

Ngoài kia, những phụ nữ xong việc của mình, bây giờ mon men đến gần quán rượu, ngồi chờ, khi nào chồng say thì vào dìu ra, đưa lên lưng ngựa túc tắc ra về. Có anh chồng say quá nằm thảm cỏ vệ đường, người vợ ngồi bên che ô chờ cho “tình yêu” của mình tỉnh rượu thì mới “đi nhà”. Đó thường là những phụ nữ Mông lầm lũi, ít lời. Không bao giờ vì chồng say rượu mà “mặt nặng mày nhẹ”. Hình như thiên chức của họ sinh ra là để phục vụ vô điều kiện những đức ông chồng?

Ở chợ vùng cao, việc mua bán cũng có nhiều đặc sản mang tính chất văn hóa bản địa: Những cây trồng, vật nuôi vùng cao, những trang phục đặc sắc của từng tộc người rực rỡ hoa văn thổ cẩm… Khi chuyển sang kinh tế thị trường, nhiều nơi biết rõ đặc tính văn hóa của chợ phiên nên đã quảng bá du lịch bằng cách thêm từ “văn hóa” thành “chợ văn hóa”.

Chợ phiên văn hóa vùng cao từ vài chục năm nay có nhiều nét mới. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, rất cần có ý kiến của các chuyên gia văn hóa để “cái mới” của chợ phiên phù hợp với văn hóa, văn minh.

Làm văn hóa đi đôi với phát triển du lịch và tăng thu ngân sách cho địa phương, nhưng không nên chỉ vì “mục tiêu ngân sách” mà làm hỏng văn hóa. Thực ra, làm kinh tế nếu gặp thời thì “phất” lên rất nhanh chóng, nhưng làm văn hóa không phải một sớm một chiều, có những nét văn hóa phải nhiều thế hệ mới xây dựng hoặc xóa bỏ dần được. Hơn nữa, chính văn hóa đích thực mới có sức hấp dẫn và có thu nhập lâu bền.

Trong văn hóa truyền thống, có nhiều yếu tố góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức con người thì nên phát huy. Trái lại, những hủ tục, nét văn hóa không phù hợp cuộc sống hiện đại thì nên từng bước cải tạo và thu hẹp. Ví dụ, chuyện rượu chè bê tha ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là khi con ngựa, phương tiện vận tải chủ yếu đã được thay thế bằng “con ngựa sắt”, thì khi đã uống rượu rất dễ xảy ra tai nạn, vi phạm luật giao thông…

Khi quy hoạch xây dựng lại khuôn viên chợ phiên vùng cao, chúng tôi thấy nhiều nơi không hiểu đầy đủ ý nghĩa văn hóa của chợ phiên, nên vội vã “kiên cố hóa” theo kiểu áp đặt chủ quan để thay thế những mái lá hấp dẫn bằng những khối bê tông quen thuộc và nhàm chán.

Do vậy, trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của chợ phiên việc giữ gìn những nét văn hóa truyền thống độc đáo mới là sản phẩm bền vững để thu hút du khách, nếu không, chợ phiên vùng cao sẽ vẫn là câu chuyện dài…

https://baolaocai.vn/cho-phien-vung-cao-post367079.html

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn