Hiệu quả chuyển đổi số ở Lào Cai

Ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp; Xây dựng Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai; 100% các hợp tác xã, hộ kinh doanh đưa sản phẩm, hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; Tích hợp dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 75,5%, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố;…là những kết quả nổi bật trong chương trình Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2022.

Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp đột phá, đổi mới của tỉnh trong việc
đồng hành với các doanh nghiệp vì một Lào Cai phát triển (Ảnh: Thu Hương)

Với quan điểm "Lấy Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số", chương trình Chuyển đối số tỉnh Lào Cai chú trọng phát triển 3 trụ cột chính là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Năm 2022, hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm chỉ đạo từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị, công khai, minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ công đến người dân, thúc đẩy cải cách hành chính, phát triển chính trị, kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời đáp ứng được nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

Trong năm, tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung vào các hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân với việc sử dụng nhiều ứng dụng tạo sự thuận lợi cho người dân như: “Cổng hành chính công Lào Cai” trên Zalo; App công dân (Công dân số Lào Cai), hệ thống phản ánh hiện trường trên địa bàn thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa; triển khai có hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến…nhằm xây dựng hình ảnh một Lào Cai cởi mở, minh bạch và thông thoáng, tỉnh đã tăng cường kết nối mạng xã hội trong đối thoại giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 1.761/1.966 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần trên cổng dịch vụ công của tỉnh đạt 89,5%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến/tổng số hồ sơ giải quyết TTHC đạt 55,5%; 73/194 (37,6%) cơ quan, đơn vị, địa phương đã xuất biên lai điện tử trong thu phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính trực tuyến, đóng góp tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Phụ nữ dân tộc thiểu số Lào Cai thực hiện livestream để bán hàng
 các sản phẩm nông sản địa phương (Ảnh: Thu Hương)

Để cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử, tỉnh Lào Cai đã quan tâm tới việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân; ứng dụng các hình thức thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử. Đặc biệt, Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Lào Cai (htdn.laocai.gov.vn) được khai trương và vận hành là cổng thông tin đầu tiên trong toàn quốc có sự tương tác trực tiếp, hiệu quả giữa doanh nghiệp với chính quyền một cách công khai, minh bạch, là bước đột phá, đổi mới của tỉnh trong việc đồng hành với các doanh nghiệp vì một Lào Cai phát triển. Việc xây dựng Cổng dịch vụ công cửa khẩu quốc tế Lào Cai nhằm nâng cao năng lực quản lý xuất nhập cảnh, xuất khẩu, tiết kiệm chi phí, thời gian luân chuyển giấy tờ, góp phần nâng cao năng lực thông quan của cửa khẩu. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông được quan tâm đầu tư, xây dựng đã góp phần đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. Hiện Lào Cai có hạ tầng viễn thông với độ bao phủ rộng, chất lượng cao, phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn, trên 95% thôn, bản; cung cấp dịch vụ internet đến 60% thôn, tổ dân phố; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 51,4%; tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 53,3%. Người dân Lào Cai đã hình thành thói quen mua hàng trực tuyến, giao dịch thương mại điện tử. Việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các loại hình dịch vụ như tiền điện, tiền nước, tiền học phí, dịch vụ bưu chính viễn thông, tiền hàng hóa thiết yếu đang được người dân sử dụng, trong đó thói quen chủ yếu là thanh toán qua thẻ ngân hàng, smartbanking, ví điện tử, Viettel pay, VNPT pay,..

Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, đoàn thể. Trong đó phải kể đến vai trò quan trọng của Hội tin học tỉnh Lào Cai trong việc tham gia vào các hoạt động chuyển đổi số. Với 83 hội viên, Hội đã phối hợp cùng sở Thông tin và Truyền thông tích cực triển khai công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ như: tập huấn về an toàn, an ninh thông tin; đào tạo sử dụng chữ ký số, kỹ năng sử dụng các phần mềm dùng chung; tham gia t­ư vấn, ý kiến chuyên ngành đối với các chương trình, kế hoạch, dự án CNTT của tỉnh, ...góp phần đắc lực vào các hoạt động chuyển đổi số của tỉnh.

Lào Cai phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển toàn diện của vùng miền núi phía Bắc, đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá, đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc Chuyển đổi số được xác định là một trong những khâu trọng tâm, đột phá, làm đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu này, trong năm 2023, tỉnh Lào Cai tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp: xây dựng cơ chế chính sách; phát triển nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao; phát triển các nền tảng số; phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, viễn thông theo hướng hiện đại, đồng bộ; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn, an ninh mạng;…

Hy vọng rằng với những giải pháp đồng bộ, đột phá, chương trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh sẽ tạo sự hài lòng, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số thành công và bền vững./.

Tăng Văn Hạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).