Kỳ vọng kết nối du lịch Hà Giang - Lào Cai

Sở Du lịch Lào Cai phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang khảo sát, xây dựng sản phẩm kết nối du lịch Xín Mần (Hà Giang) - Si Ma Cai - Bắc Hà (Lào Cai). Việc kết nối phát triển du lịch 2 địa phương kỳ vọng mang đến những trải nghiệm đặc sắc về văn hóa, con người, phong cảnh mang bản sắc của vùng núi cao.

Sản phẩm du lịch kết nối Xín Mần - Si Ma Cai - Bắc Hà với những điểm đến ấn tượng giúp du khách có thêm hành trình trải nghiệm trọn vẹn.

Đầu tiên, du khách sẽ đặt chân đến thắng cảnh thác Tiên - đèo Gió, thuộc địa phận thôn Ngam Lâm, xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần (Hà Giang). Thác nằm trên dòng suối Tả Ngán, bắt nguồn từ xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà (Lào Cai). Đến thôn Ngam Lâm, dòng nước thả mình qua vách núi cao khoảng 70 m, tạo thành dòng thác đôi trắng xóa. Nhờ những cánh rừng nguyên sinh, nước suối quanh năm không bao giờ cạn, dòng nước cũng không ồn ào, hung dữ mà nhẹ nhàng, mềm mại như mái tóc của thôn nữ vùng cao. Nước đổ từ thác tạo thành hồ nhỏ không quá sâu, nước trong vắt có thể nhìn rõ những viên sỏi dưới đáy. Du khách có thể đứng trên cầu bắc qua chân thác hoặc lội xuống dòng suối trong mát để ghi lại những khoảnh khắc đẹp khi đến thắng cảnh bậc nhất huyện Xín Mần.

Cách thác Tiên - đèo Gió không xa là di tích khảo cổ cấp quốc gia bãi đá cổ Xín Mần được các nhà khoa học của Việt Nam phát hiện năm 2004. Bãi đá cổ thuộc xã Nấm Dẩn gồm nhiều tảng đá lớn nằm dọc suối Nậm Khoòng, mỗi tảng đá lại có những hình thù khác nhau. Đa số các tảng đá được khắc hình và đục lỗ, với niên đại khoảng hơn 2000 năm. Với nhiều bí ẩn chưa được giải mã, du khách sẽ được chiêm nghiệm những tinh hoa văn hóa của con người thời tiền sử khi đến bãi đá cổ này.

Kết thúc ngày đầu tiên của hành trình, du khách sẽ trải nghiệm chợ đêm Cốc Pài với nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc của người Nùng, Mông, La Chí… Tại chợ đêm Cốc Pài, du khách được tham quan, tìm hiểu những nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực của 16 dân tộc trên địa bàn huyện Xín Mần. Cộng đồng dân cư nơi đây còn đưa du khách chạm tới nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau với chương trình giao lưu văn nghệ cùng các nghệ nhân dân gian như hát lướn, múa ngựa giấy, múa gậy đồng xu, múa khèn...


Ngày thứ hai, du khách sẽ đến với thảo nguyên Suôi Thầu, thuộc xã Nàn Ma, huyện Xín Mần. Suôi Thầu cách thị trấn Cốc Pài khoảng 5 km và nằm ở độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển. Thảo nguyên mang vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc nhưng không kém phần hùng vỹ. Nơi đây đang là điểm đến thu hút du khách mê xê dịch với khung cảnh nên thơ, được ví như “thảo nguyên Thụy Sĩ giữa lòng Hà Giang”. Khí hậu ở thảo nguyên Suôi Thầu mát mẻ. Sáng sớm, du khách có thể săn biển mây bao phủ núi đồi. Chiều tà là khoảnh khắc hoàng hôn tuyệt đẹp. Trên thảo nguyên, bà con người Mông thường trồng các loại cây lương thực như lúa, ngô... Khi cây lương thực đến mùa thu hoạch, bà con trồng hoa tam giác mạch, hoa cải... vừa cung cấp thực phẩm, vừa làm du lịch. Mặc dù đường lên Suôi Thầu còn khó khăn, nhưng đây là điểm đến được mong chờ nhất và khung cảnh nơi đây không phụ sự kỳ vọng của du khách.


Rời núi đá Hà Giang, điểm đến tiếp theo du khách sẽ được tham quan chợ Cán Cấu, huyện Si Ma Cai (Lào Cai). Chợ Cán Cấu chỉ cách Xín Mần khoảng 20 km, cách thành phố Lào Cai gần 100 km. Nơi đây còn giữ được những nét văn hóa sinh hoạt truyền thống hàng trăm năm của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Giáy. Chợ họp vào sáng thứ Bảy hằng tuần, ngay ven Tỉnh lộ 153 - con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn Si Ma Cai, bên những thửa ruộng bậc thang tầng tầng lớp lớp nối tiếp nhau bám vào sườn núi. Đến đây, du khách vừa được biết về phiên chợ nhiều màu sắc, vừa có dịp tìm hiểu về sinh hoạt đời thường của người dân vùng cao.

Nối tiếp hành trình, du khách sẽ được tham quan, khám phá dinh thự Hoàng A Tưởng xây dựng đầu thế kỷ XX. Đây là công trình mang đậm kiến trúc của 2 châu lục, thể hiện rõ sự giao thoa văn hóa Đông - Tây. Với bố cục hình chữ nhật liên hoàn và khép kín độc đáo, đã tròn 100 năm nhưng dinh Hoàng A Tưởng vẫn nổi bật giữa thị trấn Bắc Hà như minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất này.

Điểm đến tiếp theo cách thị trấn Bắc Hà gần 30 km. Bản Liền nằm trong địa phận rừng nguyên sinh trải dài, với rừng cọ, đồi chè, ruộng bậc thang uốn lượn, khí hậu trong lành. Những năm gần đây, xã Bản Liền thu hút nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu đời sống văn hóa đồng bào dân tộc Tày. Đặc biệt, Bản Liền là điểm đến thích hợp cho những ai muốn trải nghiệm nông nghiệp, du lịch sinh thái khi nơi đây là xứ sở nổi tiếng với sản phẩm chè Shan tuyết, sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Lào Cai.


Sau 1 ngày trải nghiệm các điểm du lịch, du khách có thể thư giãn khi thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại chợ đêm Bắc Hà, hoặc nghỉ ngơi và thức dậy vào buổi sáng sớm hôm sau để khám phá chợ phiên. Chợ phiên Bắc Hà được tổ chức vào Chủ nhật mỗi tuần và kết thúc vào 14 giờ cùng ngày. Chợ Bắc Hà được coi là phiên chợ có quy mô lớn nhất ở vùng cao, là điểm gặp gỡ, giao lưu của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái, Tày… Một trong những điều thú vị nhất khi du lịch chợ phiên Bắc Hà là khám phá ẩm thực vùng cao và những món đồ lưu niệm hấp dẫn.

Điểm đến cuối cùng trong hành trình là thung lũng hoa Bắc Hà, thuộc xã Thải Giàng Phố. Nơi đây được nhiều người biết đến là địa điểm trồng và trưng bày nhiều loài hoa đến từ khắp nơi trên đất nước. Ở đây có cả những loại hoa quý, hiếm được đem từ nước ngoài về, đã gieo trồng thành công tại Bắc Hà. Đến thung lũng hoa Bắc Hà, du khách sẽ được chìm đắm trong không gian rực rỡ màu sắc của các loài hoa, hít thở bầu không khí trong lành của núi rừng và kết thúc hành trình trọn vẹn khi đắm chìm trong các điệu nhảy của những thiếu nữ vùng cao, cùng nắm chặt tay quanh bếp lửa trại trong điệu múa xòe.

Hành trình trọn vẹn 3 ngày 4 đêm mở ra cơ hội hợp tác, liên kết phát triển của một tour du lịch mới, nối liền 2 tỉnh Lào Cai - Hà Giang hứa hẹn tiềm năng, hấp dẫn.

https://baolaocai.vn/bai-viet/361363-ky-vong-ket-noi-du-lich-ha-giang--lao-cai

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Du khách bất ngờ trước tốc độ phục hồi của du lịch Sa Pa

Sa Pa, điểm đến du lịch nổi tiếng của miền Bắc, nhanh chóng “lấy đà” phục hồi sau bão nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa cộng đồng, doanh nghiệp, chính quyền địa phương.

Khách du lịch đến Sa Pa tăng 33,2% so với kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9/2023

Trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8 - 3/9), Lào Cai đón khoảng 196.500 lượt khách. Lượng khách du lịch đến các địa phương tăng nhẹ so với kỳ nghỉ 2/9/2023, riêng thị xã Sa Pa đón khoảng 122.770 lượt khách, tăng 33,2% so với kỳ nghỉ lễ 2/9/2023.

Lễ hội mùa Thu "Sa Pa - mùa vàng" 2024 hứa hẹn hàng loạt sự kiện hấp dẫn

Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024 không chỉ là dịp để du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa đặc sắc của vùng cao mà còn là cơ hội để trải nghiệm những hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực hấp dẫn.

Nên đi đâu tại Lào Cai trong kỳ nghỉ lễ này?

Kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh mùng 2/9 đúng vào dịp thời tiết Lào Cai thuận lợi. Dự kiến những ngày nghỉ trời có nắng, phù hợp để du khách trải nghiệm các hoạt động ngoài trời, tận hưởng không khí đón mùa thu. Những ngày này, các địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch hấp dẫn để thu hút...

Lần đầu tiên tỉnh Lào Cai tổ chức Hội chợ Du lịch Quốc tế

Với chủ đề “Du lịch Lào Cai - kết nối khát vọng xanh”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Lào Cai năm 2024 (Laocai International Travel Mart – LITM 2024) sẽ được tổ chức từ ngày 7/11 đến ngày 10/11/2024 tại khu vực Quảng trường Đinh Lễ (thành phố Lào Cai).

Hoa dơn thóc rực rỡ khoe sắc trên đỉnh Fansipan

Kéo dài tới hết 30/8, Lễ hội hoa dơn thóc 2024 đang thu hút đông đảo khách du lịch tới đỉnh Fansipan với biển hoa trải dài từ độ cao hơn 3.000 m và hàng loạt hoạt động vui chơi hấp dẫn, mang đậm sắc màu văn hóa Tây Bắc.