Mùa về trên quê hương

Con nhớ lắm con đường đất quê mình những ngày xưa ấy khi tháng 5, tháng 6 mùa gặt, những cọng rơm vàng tươi bồng bềnh khắp nẻo. Ngập tràn trong không gian, mênh mang khắp đất trời là mùi thơm mát của những thân lúa chín vàng. Tất cả gom góp cho một góc quê thật ngọt ngào, để đến bây giờ, những đứa con xa xứ không nguôi nhớ về đường quê ngập sắc rơm vàng.

Mùa lúa trĩu bông vàng óng. Khắp các cánh đồng, ríu rít, râm ran, người người tất bật với liềm, hái để thu gặt thành quả của những tháng ngày lao động vất vả, nhọc nhằn. Những đon lúa xếp tầng, được chất cao trên các thùng xe trâu. Nặng đấy, nhưng những chú trâu vẫn miệt mài dưới trời nắng gắt, chở lúa về cho kịp chuyến sau. Rồi rào rào, những hạt thóc vàng tươi phủ kín mặt sân. Mới đấy thôi, khi cầm lên, thân lúa còn uốn cong như chiếc lưỡi câu bởi những hạt vàng trĩu nặng, giờ trơ lại chỉ là xác xơ thân lúa, mà người ta vẫn gọi là rơm.

Mùa gặt.

Những đống rơm được đắp cao một góc sân, ngoại và mẹ nhanh tay trải đều trên con đường làng trước cổng nhà. Lúc này, con đường khoác trên mình một chiếc áo hoàn toàn mới, đầy hương sắc. Đó là sắc vàng tươi của những thân rơm 2 - 3 nắng, là vàng mơ của những đoạn đường rơm đã “ăn” nhiều nắng, sương. Đó là hương thơm ngọt ngào của những thân lúa mới hay mùi hăng nồng của rơm bị vào hơi, ẩm mốc. Để rơm được khô đều, không bị ẩm, mốc phía dưới, khoảng 2 tiếng đồng hồ 1 lần, người ta lại phải trở rơm. Ngoại vừa thoăn thoắt phơi rơm, vừa bảo: Trong mùa thu hoạch lúa, những công việc như gặt hái, gánh gồng hay tuốt lúa là của thanh niên, trai tráng. Còn nhẹ nhàng hơn như phơi rơm, đảo rơm là của người già.

Ngoại nói vậy thôi, bởi tôi biết, dẫu không quá khó và nặng nhọc, nhưng dưới cái nắng như đốt giữa trưa hè, giọt mồ hôi vẫn rơi đều gương mặt ngoại.

Mùa thu hoạch lúa, vui nhất vẫn là bọn “trẻ trâu”. Thời gian này cũng là thời gian tạm xa mái trường, bạn bè, nên từ tinh mơ đến khi trời tối mịt, những bước chân nhỏ vẫn rộn ràng trên những cánh đồng xa, đầu trần, chân đất, tấm lưng mỏng cũng trần. Rơm được phơi kín, đường làng như một tấm nệm khổng lồ, những thân hình đen trũi lăn lộn. Thôi thì đủ trò, nào là trồng cây chuối, đấu vật… nhưng sôi động và rộn ràng nhất vẫn là trò chơi trận giả. Cả lũ chọn ra 2 chủ tướng có uy tín về sức khỏe, độ nhanh nhạy. Sau đó 2 chủ tướng chọn quân về đội của mình. Lô cốt là những đống rơm to được đắp vội, hoặc của nhà ai đó đã thu rơm về. Theo hiệu lệnh, 2 đội nấp kín trong lô cốt, bằng các chiến thuật sẽ “bắn” đối phương, đội nào nhanh nhạy “bắn” được nhiều hơn thì sẽ giành phần thắng. Có những lúc trò chơi trận giả còn dùng “vũ khí” là những “viên đạn” rơm được ném qua, ném lại. Muốn chiến thắng phải có sức khỏe, độ chính xác cao để ném trúng và mạnh. Những “viên đạn” rơm ấy ném vào người không đau, mà chỉ có cảm giác ran rát. Tất cả chỉ có vậy thôi, nhưng những trò chơi tinh nghịch mà bình dị vang động cả góc làng.

Rơm phơi dọc con đường, người qua, người lại, những hạt thóc còn sót trên những thân rơm rụng xuống đường trộn đều với đất cát. Lũ trẻ lại nghĩ ra trò đi mót thóc, những chiếc rá ở nhà được huy động tối đa. Lật đều lớp rơm, đôi tay nhẹ nhàng gạt lớp thóc pha chút đất cát vào rá, rồi mang ra con mương. Khéo léo đưa tay, lắc đều, những hạt thóc như những hạt vàng xô dạt. Lúc này, chỉ cần lấy tay gom chúng lại là đã có những nắm thóc vàng tươi. Mỗi lần mót được thóc, tôi lại cuống cuồng về khoe ngoại như một chiến công. Và rồi các bạn gà lại được bữa tiệc linh đình. Có lẽ lúa mới còn thơm mùi sữa, nên những chị, chàng nhà gà cứ lục ta lục tục, ý chừng vui lắm…

Cứ thế, chúng tôi lớn lên bên những mùa rơm phơi, bên sắc, bên hương của lúa, để những mùa qua thật nhẹ nhàng!

Giờ lũ trẻ ấy đã lớn khôn, mỗi đứa một phương, kẻ Nam, người Bắc, người xa, kẻ gần, nhưng vẫn luôn khắc khoải, nhớ thương về khung trời quê với con đường tràn ngập sắc vàng rơm. Và rồi lại thêm ấm lòng mỗi dịp mùa sang.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.