4 lý do khiến Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến hàng đầu cho đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và hấp dẫn hơn các nước ASEAN-4. Lý do thu hút các nhà đầu tư của Việt Nam bao gồm chi phí lao động thấp hơn, việc tích hợp chuỗi cung ứng đơn giản hơn, tiếp cận thương mại tự do tốt hơn và sự ổn định chính trị.
 
4 lý do khiến Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư - Ảnh 1.

Bài viết về sự hấp dẫn của Việt Nam trên trang tin Tradefinanceglobal.com

Đó là nhận định trong bài viết "Why Vietnam is more attractive than ASEAN-4 as a manufacturing alternative to China" (tạm dịch: Tại sao Việt Nam hấp dẫn hơn ASEAN-4 như một giải pháp sản xuất thay thế cho Trung Quốc) trên trang tin Tradefinanceglobal.com.

Đề cập 4 lý do khiến Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất hơn các nước ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippnes), theo Tradefinanceglobal.com, trước hết, chi phí lao động thấp hơn là một trong những lý do khiến nhiều công ty sản xuất chuyển đến Việt Nam trong thập niên qua.

Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố duy nhất quyết định địa điểm đặt nhà máy do các công ty cũng phải xem xét các yếu tố như tích hợp chuỗi cung ứng.

Tại Việt Nam, việc kết hợp các nhà sản xuất vào chuỗi cung ứng là tương đối đơn giản cả ở thượng lưu (hoạt động giữa nhà sản xuất và các nhà cung cấp của họ) và hạ lưu (hoạt động phân phối sản phẩm đến khách hàng cuối cùng).

Xét về chuỗi cung ứng thượng lưu, theo Tradefinanceglobal.com, tại Đông Nam Á, gần như không có nhà sản xuất nào có thể hoàn toàn thoát khỏi "trường hấp dẫn" của Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống các quốc gia ASEAN-4, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, điều này giúp các công ty chế tạo ở Việt Nam dễ dàng hòa nhập hơn vào mạng lưới rộng lớn của Trung Quốc.

Về hạ lưu, việc kết hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng cũng là một quá trình tương đối ít trở ngại do Việt Nam có 2 sân bay quốc tế, một số cảng lớn, nguồn điện đáng tin cậy và truy cập internet dễ dàng. Thêm vào đó, do Việt Nam có quy mô địa lý nhỏ nên hầu hết các nhà cung cấp đều nằm gần sân bay hoặc cảng biển lớn. Điều này giúp cho việc vận chuyển thành phẩm từ nhà máy đến tay khách hàng trở nên dễ dàng.

4 lý do khiến Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư - Ảnh 2.

Lược đồ tiếp cận thương mại tự do của Việt Nam trên Tradefinanceglobal.com

Lý do thứ 3, so với nhiều nước Đông Nam Á khác, hàng hóa sản xuất trong  nước của Việt Nam rất dễ bán mà không phải trả thêm chi phí không cần thiết. Lợi thế này do Việt Nam là thành viên của 15 hiệp định thương mại tự do khác nhau bao trùm tới hơn 50 quốc gia trên thế giới.

Đáng chú ý nhất là các FTA: Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Anh-Việt Nam (UKVFTA) .

Đối với các nhà sản xuất, điều này có nghĩa là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam có thể được bán sang các thị trường khác - bao gồm nhiều thị trường giàu có hơn ở phương Tây - mà không cần phải trả mức thuế quá đắt.

Cuối cùng, một yếu tố quan trọng nữa giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về đầu tư sản xuất là sự ổn định chính trị.

Tuyên bố về môi trường đầu tư năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá "môi trường chính trị và an ninh của Việt Nam phần lớn ổn định". Còn theo chỉ số của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp trên nhiều quốc gia Đông Nam Á, bao gồm 3 trong số các quốc gia ASEAN-4, về mức độ ổn định chính trị và không có bạo lực.

Tradefinanceglobal.com đánh giá: Sự kết hợp của cả 4 yếu tố trên rõ ràng là đủ để tạo ra sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà đầu tư. Việt Nam đã vượt qua rất tốt sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây ra, vẫn được coi là một trung tâm sản xuất chủ chốt và đang phát triển. Khi Chính phủ tiếp tục thực hiện các hiệp định thương mại tự do trên khắp thế giới và đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông cũng như thông tin liên lạc, vị thế của Việt Nam là một "trung tâm sản xuất đang lên" sẽ ngày càng được củng cố.

"Tradefinanceglobal.com" là trang thông tin thành lập tại Anh và xứ Wales, có trụ sở tại Haverstock Hill, London.

Theo baochinhphu.vn

Tin Liên Quan

Khai mạc Hội nghị Đô trưởng các nước ASEAN năm 2024 và Diễn đàn Thị trưởng các nước ASEAN

Sáng 18/9, tại thủ đô Vientiane, Lào, diễn ra Hội nghị Đô trưởng các nước ASEAN (MGMAC) và Diễn đàn Thị trưởng các nước ASEAN (AMF). Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56

Ngày 17/9, tại thủ đô Vientiane, Lào, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 56 đã khai mạc, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công thương Lào Malaythong Kommasith, cùng các Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ASEAN và Timor Leste. Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân...

Sắp diễn ra “Triển lãm FBC ASEAN 2024” tại Hà Nội

Trong hai ngày từ 18 đến 20/9, tại Hà Nội sẽ diễn ra Triển lãm FBC ASEAN 2024. Triển lãm có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đức, Italia và các quốc gia khác.

ASEAN cung cấp hàng hoá viện trợ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả bão Yagi

Các lô hàng cứu trợ của Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA) đã được bàn giao cho các cơ quan, đơn vị Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả bão Yagi (bão số 3).

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ra Tuyên bố về tác động của bão Yagi

Trước những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do bão Yagi gây ra tại một số nước trong khu vực, ngày 11/9, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố chung về việc này.

Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của hai dân tộc Việt Nam - Lào

Chiều ngày 11/9, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đã có cuộc gặp gỡ với cựu quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam, lưu học sinh Việt Nam tại Lào và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Lào.