Quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin

Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành Thông tư số 08/2022/TT-BTTTT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin.

Chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin và an toàn thông tin, bao gồm 4 hạng, từ hạng I đến hạng IV.

Theo đó, Thông tư quy định yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng I là có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng II hoặc tương đương tối thiểu là 6 năm (đủ 72 tháng). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng II  hoặc tương đương đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng ít nhất 2 đề tài, đề án, dự án, chương trình về lĩnh vực an toàn thông tin cấp nhà nước, cấp bộ, cấp ban, ngành hoặc cấp tỉnh mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu,  xây dựng đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, ban hành; hoặc chủ trì xây  dựng phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin đối với ít nhất 2 hệ thống thông tin cấp độ 4,5 được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoặc chủ trì  nghiên cứu, phát triển ít nhất 1 sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin đạt giải thưởng cấp bộ hoặc tương đương trở lên.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng II là có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng III hoặc tương đương tối thiểu là 9 năm (đủ 108 tháng, không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng III  hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 2 (hai)  đề tài, đề án, dự án, chương trình về lĩnh vực an toàn thông tin từ cấp cơ sở trở  lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, ban hành; hoặc chủ trì hoặc tham gia xây dựng phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đối với ít nhất 2 hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên được cấp có thẩm quyền nghiệm thu; hoặc chủ  trì xây dựng ít nhất 2 (hai) quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật về an toàn  thông tin được cấp có thẩm quyền ban hành; hoặc tham gia nghiên cứu, phát  triển ít nhất 1 sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin đạt giải thưởng cấp bộ, cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng III là có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng IV hoặc tương đương tối thiểu là 2 năm (đủ 24 tháng, không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp an toàn thông tin hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Đối với các viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng I phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng II hoặc tương đương tối thiểu là 6 năm (đủ 72 tháng). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng II tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng II hoặc tương đương đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng ít nhất 2 đề tài, đề án,  dự án, chương trình về lĩnh vực công nghệ thông tin cấp nhà nước, cấp bộ, ban, ngành hoặc cấp tỉnh mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, ban hành; hoặc chủ trì thẩm định ít nhất 2 dự án công nghệ thông tin nhóm A, B được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hoặc chủ trì nghiên cứu, phát triển ít nhất 1 sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin đạt giải thưởng cấp bộ hoặc tương đương trở lên.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng II là có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng III hoặc tương đương tối thiểu là 9 năm (đủ 108 tháng, không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng III tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng  III hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 2 đề tài, đề án, dự án, chương trình về lĩnh vực công nghệ thông tin từ cấp cơ  sở trở lên mà đơn vị sử dụng viên chức được giao chủ trì nghiên cứu đã được  cấp có thẩm quyền nghiệm thu, ban hành; hoặc chủ trì hoặc tham gia thẩm định  ít nhất 2 dự án công nghệ thông tin được cấp có thẩm quyền phê duyệt;  hoặc chủ trì hoặc tham gia xây dựng ít nhất 2 quy chế, quy định, quy trình  kỹ thuật về công nghệ thông tin được cấp có thẩm quyền ban hành; hoặc tham  gia nghiên cứu, phát triển ít nhất 1 giải pháp công nghệ đạt giải thưởng cấp bộ, cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.

Yêu cầu đối với viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng III là có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng IV hoặc tương đương tối thiểu là 2 năm (đủ 24 tháng, không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trường hợp khi tuyển dụng có trình độ cao đẳng, 3 năm (đủ 36 tháng) (không kể thời gian tập sự, thử việc) đối với trường hợp khi tuyển dụng có trình độ trung cấp. Trường hợp có thời gian tương đương thì phải có ít nhất 1 năm (đủ 12 tháng) giữ chức danh nghề nghiệp công nghệ thông tin hạng IV tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ đảm nhận của viên chức. Khi bổ nhiệm từ chức danh nghề nghiệp viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin tương ứng không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

Theo Thông tư, các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, cụ thể như sau:

Chức danh công nghệ thông tin hạng I, an toàn thông tin hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) có 6 bậc, từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

Chức danh công nghệ thông tin hạng II, an toàn thông tin hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

Chức danh công nghệ thông tin hạng III, an toàn thông tin hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

Chức danh công nghệ thông tin hạng IV, an toàn thông tin hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06. Trường hợp viên chức có trình độ cao đẳng trở lên được tuyển dụng vào vị trí việc làm có yêu cầu chức danh nghề nghiệp hạng IV thì được xếp vào bậc 2; nếu có thời gian tập sự thì trong thời gian tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 2 của chức danh nghề nghiệp hạng IV.

Việc xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2022./.

Ánh Nguyễn

Tin Liên Quan

Sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản công

Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Chính phủ ban hành 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa

Ngày 11/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa. Trong đó nêu rõ chính sách hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa; đầu tư, hỗ trợ đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao.

CHÍNH THỨC giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi sơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.

Luật Đất đai 2024: Cơ hội thu hút đầu tư vào nông nghiệp xanh

Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đang tạo ra những bước ngoặt mang tính đột phá cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Những điểm mới của luật cũng đã “cởi trói” về mặt phát lý cho phân khúc bất động sản trong nông nghiệp. Đặc biệt, mở ra nhiều cơ hội để các dự án, mô hình...

Quy định hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số được quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai.