Quan tâm trùng tu, tôn tạo di tích

Mỗi di tích văn hóa đều chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử, ở đó chúng ta thấy được một thời kỳ văn hóa, truyền thống tốt đẹp và trí tuệ của cha ông, sự hình thành và phát triển của quê hương, đất nước… Dưới tác động của thời gian, điều kiện môi trường, các di tích khó tránh khỏi xuống cấp và hư hại. Do đó, việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Với lịch sử 115 năm hình thành và phát triển, Lào Cai đã tích lũy được kho tàng di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 53 di tích được xếp hạng, trong đó có 22 di tích cấp quốc gia (11 di tích lịch sử, 3 di tích cách mạng và 8 danh lam thắng cảnh) và 31 di tích cấp tỉnh (19 di tích lịch sử, 10 di tích cách mạng và 2 danh lam thắng cảnh). Những năm qua, các địa phương cũng như ngành văn hóa luôn quan tâm, đẩy mạnh hoạt động bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích. Nhờ đó, nhiều di tích đã được giữ gìn, nâng cấp, đồng thời thu hút du khách tới tham quan, chiêm bái, tìm hiểu, khám phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Bảo Yên là một trong những địa phương có nhiều di tích nổi tiếng được xếp hạng, với 10 di tích (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia; 7 di tích, danh thắng cấp tỉnh). Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Yên đã xây dựng và ban hành Đề án số 05 về phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch tâm linh của tỉnh và khu vực Tây Bắc…

“Để thực hiện mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng được huyện Bảo Yên thực hiện đó là ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch; trùng tu, tôn tạo các di tích, danh thắng. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích, thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, tổng công ty đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về văn hóa, du lịch và vui chơi, giải trí phù hợp”, ông Nguyễn Sỹ Hồng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bảo Yên cho biết.

Đền Bảo Hà (Bảo Yên) có diện mạo mới sau khi được trùng tu, tôn tạo.

Đền Bảo Hà là di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng đã được huyện Bảo Yên xác định là trung tâm trong hành trình du lịch tâm linh của địa phương và của tỉnh. Để nâng tầm vị thế, cũng như đáp ứng nhu cầu chiêm bái của du khách thập phương, huyện Bảo Yên đã triển khai dự án tu sửa, tôn tạo đền Bảo Hà với quy mô lớn, tổng mức đầu tư lên tới 166 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào tháng 11/2021, chia làm 2 giai đoạn. Hiện, giai đoạn 1 đã gần hoàn thành, giai đoạn 2 đang được hoàn thiện hồ sơ để trình tỉnh phê duyệt, dự kiến sẽ khởi công vào tháng 8/2022 và sẽ hoàn thành sau 1 năm thi công. Sau khi được tu sửa, tôn tạo, đền Bảo Hà sẽ trở thành điểm đến lý tưởng trong hành trình du lịch tâm linh của du khách thập phương khi tới Bảo Hà, Bảo Yên nói riêng và Lào Cai nói chung.

Theo ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng Phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao, từ năm 1995 đến nay, hầu hết di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh đã được tu sửa, tôn tạo theo các dự án khác nhau, tùy vào điều kiện kinh phí của từng địa phương, của ngành. Trong khi việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử thường dễ dàng hơn do huy động được nguồn lực từ xã hội hóa, thì việc trùng tu, tôn tạo các di tích cách mạng và danh lam thắng cảnh lại gặp nhiều khó khăn. Đây là vấn đề chung của hầu hết địa phương và ngành văn hóa.

Huyện Mường Khương có nhiều danh thắng được xếp hạng di tích văn hóa cấp quốc gia, như động Na Măng (xã Pha Long), động Nấm Oọc (xã Nấm Lư), quần thể hang động Hàm Rồng (xã Tung Chung Phố). Đây đều là những danh thắng thiên nhiên tuyệt đẹp, độc đáo, hoang sơ và kỳ bí, được hình thành qua các đợt kiến tạo địa chất kéo dài hàng nghìn năm. Để các danh thắng này trở thành điểm đến hấp dẫn du khách hướng tới xây dựng tour du lịch sinh thái - khám phá, góp phần phát triển kinh tế địa phương, thì việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng các công trình phụ trợ là rất cần thiết. Dù đã xây dựng kế hoạch đầu tư để nâng cấp, bảo tồn, tôn tạo các danh thắng, nhưng huyện Mường Khương vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực.

“Tháng 5/2020, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Khương đã đề xuất các dự án để xúc tiến kêu gọi, vận động vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc lĩnh vực văn hóa - thông tin, như Dự án bảo tồn, tôn tạo hang động Na Măng, quần thể hang động Hàm Rồng, với kinh phí lần lượt trên 9,5 tỷ đồng và 6,5 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2025. Tuy nhiên, hiện địa phương vẫn chưa thể triển khai thực hiện các dự án trên do không có nguồn lực”, ông Phạm Xuân Thái, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Khương cho biết.

Di tích không dễ hình thành, lại rất dễ bị mai một, chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy tiềm năng, hiệu quả của di tích là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa lâu dài, đây không phải nhiệm vụ của một cấp, một ngành hay riêng địa phương, đơn vị nào, mà cần sự vào cuộc, chung tay của tất cả người dân.

Cùng với đó, việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ di tích phải đảm bảo tính nguyên vẹn. Khi những di tích được bảo vệ đúng cách, thì không chỉ phát huy những giá trị tích cực về văn hóa, mà còn biến thành di sản thành những sản phẩm du lịch, mang hiệu quả kinh tế - xã hội.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.