Hỗ trợ châu Phi vượt “bão” khủng hoảng

Châu Phi có nguy cơ rơi vào chu kỳ tăng trưởng chậm và lạm phát tăng cao do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 và giá nhiên liệu, lương thực tăng. Các thể chế, tổ chức tài chính ở châu lục đã thông báo các gói hỗ trợ nhằm giúp “lục địa đen” vượt bão khủng hoảng.

Phụ nữ Guinea tham gia dự án trồng cây giàu vitamin. (Ảnh: ALL AFRICA)

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế châu Phi 2022”, Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) cảnh báo đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế châu Phi mặc dù châu lục này ghi nhận tỷ lệ tử vong ở mức khá thấp so với các khu vực phát triển hơn. Năm 2021, kinh tế châu Phi phục hồi, với tăng trưởng GDP dự kiến ở mức 6,9% sau mức giảm 1,6% trong năm 2020 do tác động của dịch Covid-19. AfDB dự báo, tăng trưởng GDP thực của châu Phi sẽ giảm xuống 4,1% trong năm nay. Báo cáo của AfDB cũng nêu rõ: “Tốc độ tăng trưởng giảm cho thấy tác động nghiêm trọng của cuộc xung đột Ukraine đối với nền kinh tế châu Phi. Nếu xung đột vẫn tiếp diễn, tăng trưởng của khu vực này có thể đình trệ ở mức khoảng 4% trong năm 2023”. 

Trong khi đó, AfDB dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên tới 13,5% trong năm nay so với mức 13% năm 2021 do giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Giá lúa mì đã tăng hơn 45% ở châu Phi kể từ tháng 2. Giá phân bón đã tăng 300% và châu lục này đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt hai triệu tấn phân bón. Tình hình đặc biệt đáng lo ngại ở khu vực Sahel, nơi có tới 18 triệu người sẽ phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong ba tháng tới. Ngoài ra, từ miền nam Ethiopia đến miền bắc Kenya, trải dài đến Somalia (vùng Sừng châu Phi) cũng đang trong tình trạng hạn hán với gần 20 triệu người bị nạn đói đe dọa.

Trong năm 2021, đại dịch Covid-19 đã đẩy khoảng 30 triệu người châu Phi vào cảnh đói nghèo cùng cực và khiến 22 triệu người mất việc làm. Những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhất là ở vùng đô thị, chịu tác động mạnh của giá cả leo thang. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng làm đình trệ hoạt động kinh tế của châu lục, có thể đẩy gần 4 triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực trong năm 2022 và 2023. AfDB dự báo, tỷ lệ nợ tính trên GDP của châu lục này là vào khoảng 70%, giảm nhẹ so với 71,4% năm 2020 do sự phục hồi tăng trưởng vào năm ngoái và các biện pháp miễn trừ nợ. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch.

Nhằm giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực ở châu Phi, Chủ tịch AfDB, ông Akinwumi Adesina (A.A-đê-xi-na), tuyên bố rằng ngân hàng này đã dành tổng cộng 1,5 tỷ USD viện trợ. Gói tài chính này sẽ được sử dụng để giúp các quốc gia châu Phi nhanh chóng sản xuất lương thực nhằm bù đắp cho việc mất nguồn cung do tình hình hiện tại của thị trường quốc tế. Kế hoạch viện trợ này nhằm tăng sản lượng lúa mì, ngô, gạo và đậu nành trên lục địa, mang lại lợi ích cho khoảng 20 triệu nông dân châu Phi, những người sẽ nhận được các loại hạt giống tốt và công nghệ phù hợp để nhanh chóng sản xuất 38 triệu tấn thực phẩm. Kế hoạch này cũng sẽ bao gồm các khoản vay nhằm cung cấp phân bón với quy mô lớn cho các đại lý và các nhà bán buôn, cũng như hỗ trợ cải cách chính sách đất đai ở các quốc gia trên khắp lục địa.

Tổ chức Tài chính châu Phi (AFC), một tổ chức tài chính phát triển đa phương toàn châu Phi có trụ sở tại Nigeria, cũng thông báo sẽ cung cấp một gói hỗ trợ trị giá 2 tỷ USD để giúp phục hồi kinh tế ở châu Phi sau nhiều cuộc khủng hoảng toàn cầu. AFC cam kết tài trợ tới 50% gói hỗ trợ này và sẽ huy động phần còn lại thông qua mạng lưới các đối tác quốc tế cũng như kêu gọi sự đóng góp của các nhà đầu tư quốc tế. Gói hỗ trợ này sẽ được giải ngân thông qua các khoản vay mà AFC dành cho một số ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển khu vực và ngân hàng trung ương ở các quốc gia châu Phi khác nhau, cung cấp cho các tổ chức này khả năng thanh khoản ngoại tệ mà họ rất cần để có thể tài trợ vốn cho các hoạt động kinh tế và thương mại trong nhiều lĩnh vực.

https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/ho-tro-chau-phi-vuot-bao-khung-hoang-700413/

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.