Độc đáo trang phục cô dâu của người Nùng Dín

Lào Cai có nhiều nhóm dân tộc Nùng với trang phục khá giống nhau và gần như trang phục người Tày, người Giáy. Đối với nữ giới, từ lứa tuổi thanh thiếu niên đến trung niên đều mặc quần đen, áo màu xanh, hồng hoặc áo đen xẻ nách, cài cúc vải. Riêng trang phục cô dâu người Nùng Dín có sự khác biệt rõ nét, từ hình dáng đến chất liệu vải và kỹ thuật may, thêu.
Trang phục cô dâu (giữa ảnh) có khác biệt lớn so với trang phục thường ngày (2 bên).

Bộ trang phục cô dâu của người Nùng Dín được làm rất kỳ công, thường làm từ vải mộc nhuộm chàm, nhưng được miết bóng trên mặt bằng đá xanh. Trên các viền cổ áo, ống tay, đầu khăn và mặt hài được thêu hoa văn phong phú, gồm: Mây, con bướm, dây leo, lá cây dương xỉ, cây thông… với các loại màu chủ yếu như hồng, tím, xanh đen xen nhau tượng trưng cho phong cảnh thiên nhiên nơi người Nùng sinh sống.

Hài (giày) được làm theo kiểu mũi cong hình thuyền giống hài thêu của các bậc vương giả thời phong kiến. Trên cổ áo và khăn đội đầu được đính hạt cườm bằng bạc theo hình núi non, sóng nước. Cúc áo được làm bằng bạc trắng, có thể làm cúc đơn hoặc cúc kép.

Bộ trang phục cô dâu thường đi kèm trang sức gồm vòng cổ (xà tích), vòng tay, trâm cài đầu và khuyên tai đều làm bằng bạc trắng. Tùy theo điều kiện kinh tế của nhà trai mà bộ trang phục và trang sức của cô dâu có lượng bạc trang trí nhiều hay ít, thường dao động từ 6 đồng đến khoảng 20 đồng bạc trắng. Bởi vậy, bộ trang phục cô dâu là của cải quý giá trong lễ thách cưới của người Nùng Dín.

Theo cuốn Văn hóa dân gian các dân tộc Lào Cai - Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc (năm 2016), bộ trang phục của cô dâu Nùng Dín gắn liền với một sự tích dân gian được truyền lại qua nhiều thế hệ. Truyện cổ dân gian kể rằng từ thời xa xưa, có một cô gái người Nùng xinh đẹp, thông minh, khôn khéo và đặc biệt biết bay nhảy như chim. Thế nhưng, do cuộc sống khó khăn, nghèo túng, cô phải đi làm thuê cho nhà vua với những công việc vất vả. Một hôm, nhân lúc nhà vua đi vắng, cô gái bèn bay đi tìm cuộc sống tự do nhưng không may bị bắt lại. Cuộc sống làm mướn trước đây đã vô cùng cơ cực, trốn đi bị bắt lại cô càng bị hành hạ khổ sở hơn. Ngoài thời gian đi làm đồng áng, lúc ở nhà, cô bị nhà vua sai quân lính đánh đập, buộc chặt đôi cánh tay biết bay và treo cối xay lên để cô không bay được; dùng xích sắt tròng cổ và tra tấn bằng nhiều hình thức man rợ…

Sau này, khi ông vua độc ác mất đi, người con gái Nùng mới được tự do làm ăn, sinh sống và xây dựng gia đình. Xuất phát từ câu chuyện trên, người Nùng thường búi váy phía sau tựa như đuôi chim, làm 2 chiếc trâm đinh bằng bạc cài trên đỉnh đầu, 2 khuyên tai tựa hình con chim, vòng cổ tựa dây xích, vòng tay bằng bạc (người Nùng gọi là còng tay) và hàng cúc bạc 8 cái gắn xúng xính trên ngực để nhớ tới cuộc đời cơ cực của cô gái Nùng xưa. Từ đó đến nay, mỗi khi con gái Nùng Dín trưởng thành, xuất giá, nhà gái bao giờ cũng thách cưới bộ trang phục cổ truyền để cô dâu mặc trong đám cưới hoặc mỗi khi trẩy hội.

https://baolaocai.vn/bai-viet/355638-doc-dao-trang-phuc-co-dau-cua-nguoi-nung-din

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.