Văn Bàn cần khai thác tiềm năng, thế mạnh đặc thù để tạo bước đột phá trong phát triển

Chiều 13/4, tại Hội trường Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Bàn về tình hình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, lĩnh vực đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và các nghị quyết của Tỉnh ủy ban hành năm 2021, 2022; phương hướng, nhiệm vụ thực hiện trong thời gian tới.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Cùng dự có các đồng chí: Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tăng trưởng kinh tế trên 12,5% - đứng tốp đầu xây dựng nông thôn mới

Tại buổi làm việc, báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Bàn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhiệm vụ năm 2021, quý I/2022, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Văn Bàn Nguyễn Thành Sinh cho biết, để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của tỉnh, Đảng bộ huyện Văn Bàn đã cụ thể hóa bằng 8 đề án, 4 nghị quyết, 5 kế hoạch và một số nghị quyết chuyên đề.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục đẩy mạnh, có nhiều đổi mới, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2021, Văn Bàn là địa phương đầu tiên tổ chức thực hiện thành công mô hình nghiệp vụ công tác Đảng; làm tốt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí, luân chuyển cán bộ, đặc biệt là từ huyện xuống cơ sở, xã với xã, qua đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác chỉ đạo điều hành ở các địa phương.

Bí thư Huyện ủy Văn Bàn Nguyễn Thành Sinh báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện với Thường trực Tỉnh ủy.

Trong năm 2021 và quý I năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, đặc biệt là các đợt bùng phát dịch COVID-19, nhưng  huyện Văn Bàn đã bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn Đảng bộ, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Huyện đã hoàn thành 56/57 chỉ tiêu kế hoạch đề ra; thu nhập bình quân/người/năm đạt 48,9 triệu đồng (vượt 2,21 triệu đồng so với thu nhập bình quân đầu người của tỉnh); tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 12,05%/năm; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp theo giá hiện hành đạt 3.190 tỷ đồng (tăng 115% so với năm 2020); giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản 92 triệu đồng/ha (đạt 108% so với giá trị chung của tỉnh); trồng rừng mới 1.568 ha, tỷ lệ tán che phủ rừng đạt 65,8% (bằng 115% so với tỷ lệ chung của tỉnh), là huyện có tỷ lệ che phủ rừng đứng đầu của tỉnh. Về giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, năm 2021 đạt 221 tỷ đồng (bằng 111,4% kế hoạch tỉnh giao).

Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Văn Bàn được đánh giá là huyện thuộc tốp đầu của tỉnh, đến nay, số tiêu chí hoàn thành đạt 357 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 17,03 tiêu chí; toàn huyện có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Hộ nghèo toàn huyện theo tiêu chí đa chiều bền vững đến hết năm 2021 còn 21,48% (thấp hơn 3,17% so với tỷ lệ chung của tỉnh) và là một trong 4 huyện, thành phố dẫn đầu về thực hiện giảm nghèo.

Các lĩnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm và triển khai có hiệu quả; giảm nghèo đạt kết quả tốt, bảo đảm tiến độ kế hoạch đề ra; quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; cấp ủy, chính quyền các cấp xử lý kịp thời, thỏa đáng mọi ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp ngay từ cơ sở, tuyệt đối không để xảy ra các vụ việc đột xuất, bất ngờ.

Đại diện Sở Giao thông vận tải - Xây dựng phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện Văn Bàn vẫn còn những khó khăn, tồn tại cần khắc phục như còn một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa đạt so với kế hoạch đề ra; tiến độ xây dựng một số dự án, công trình trọng điểm còn chậm; còn vướng mắc trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, đền bù giải phóng mặt bằng, nhất là ở các dự án đô thị, nông nghiệp.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Toàn Thắng góp ý về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ huyện Văn Bàn.

Phấn đấu đưa Văn Bàn trở thành huyện phát triển khá của tỉnh

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình kế hoạch đề ra, năm 2022, Đảng bộ huyện Văn Bàn đã đưa ra nhiều giải pháp để tập trung vào thực hiện 2 nhiệm vụ đột phá chiến lược, đó là: Hoàn thiện và triển khai Chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp và kinh tế hạ tầng huyện; tiếp tục thực hiện quy hoạch sắp xếp dân cư nông thôn trên địa bàn huyện.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang đề nghị huyện Văn Bàn quan tâm thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Từ việc xác định các nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm, huyện Văn Bàn đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh hỗ trợ giải quyết một số nội dung quan trọng như: Xem xét phê duyệt phương án triển khai quy hoạch các khu đô thị và các khu, cụm công nghiệp trong huyện; tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai các dự án chế biến nông sản, khoáng sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đề nghị tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển Văn Bàn thành khu du lịch cấp tỉnh; xem xét ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các xã có mỏ khoáng sản lớn từ nguồn thu phí bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, Văn Bàn cũng đề nghị với tỉnh hỗ trợ đầu tư một số công trình hạ tầng giao thông, công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt tại các khu dân cư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống cho nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đề nghị huyện Văn Bàn cần chủ động, linh hoạt trong thực hiện các dự án kết nối giao thông và xây dựng các khu đô thị.

Tại buổi làm việc, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã đóng góp ý kiến về công tác quản lý khoáng sản; công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư; công tác xây dựng các đô thị; giải pháp bảo vệ môi trường; công tác xúc tiến đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa; phương án kết nối giao thông và nâng cấp các tuyến giao thông đi qua địa bàn; giải quyết các vướng mắc đầu tư các dự án thủy điện, công tác quản lý bảo vệ rừng; công tác cải tạo các tập tục lạc hậu và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội ở một số địa phương vùng cao, gắn với bảo tồn, giữ gìn các giá trị văn hóa để phát triển du lịch… Đồng thời, giải đáp một số kiến nghị của huyện Văn Bàn về các lĩnh vực liên quan để giải quyết hiệu quả những tồn tại và thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Xuân Cường yêu cầu huyện Văn Bàn có giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản và các dự án thủy điện.

Văn Bàn cần mạnh dạn đổi mới tư duy, cách làm

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong phát biểu kết luận, biểu dương những cố gắng, nỗ lực và những kết quả, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Văn Bàn đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trong năm 2021 và quý I năm 2022. 

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong phát biểu kết luận buổi làm việc.

Là địa phương cửa ngõ, lại có nhiều lợi thế đặc biệt để phát triển nông nghiệp, công nghiệp khai khoáng và du lịch… để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và chương trình, kế hoạch đã đề ra, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Đảng bộ huyện Văn Bàn cần tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới trong chỉ đạo, điều hành để khơi dậy khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc đưa Văn Bàn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành huyện phát triển khá.

Đồng chí Đặng Xuân Phong đề nghị: Huyện Văn Bàn cần xây dựng chiến lược phát triển trước mắt và lâu dài, vừa trọng tâm, xuyên suốt; thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đây là nhiệm vụ then chốt, bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác. Cùng với đó, rà soát lại công tác quy hoạch để khai thác tốt lợi thế của địa phương về đất đai, con người, tiềm năng về nông nghiệp, du lịch, khoáng sản… để phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới, đầu tư phát triển nông nghiệp sinh thái phục vụ du lịch; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, phát triển hành lang kết nối giao thông mới làm cơ sở cho sự phát triển bền vững.

Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của huyện Văn Bàn, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong đề nghị các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan theo chức năng, thẩm quyền, nhiệm vụ của mình, sớm nghiên cứu, xem xét và đưa ra giải pháp để giải quyết những đề xuất, kiến nghị của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho Văn Bàn phát triển nhanh, bền vững.

https://baolaocai.vn/bai-viet/355226-van-ban-can-khai-thac-tiem-nang-the-manh-dac-thu-de-tao-buoc-dot-pha-trong-phat-trien

Theo Phạm Vũ Sơn- Phạm Bằng/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).