Tìm giải pháp bảo vệ nguồn nước

Với chủ đề "An ninh nguồn nước vì hòa bình và phát triển", Diễn đàn Nước thế giới năm 2022 diễn ra tại Senegal đã tập trung vào các vấn đề gồm an ninh nguồn nước, hợp tác tìm giải pháp và công cụ bảo vệ nguồn nước. Cảnh báo về nguy cơ cạn kiệt nguồn dự trữ nước ngầm, Liên hợp quốc kêu gọi tăng cường quản lý nguồn nước, một vấn đề sống còn đối với nhân loại.

Tình trạng khan hiếm nước xảy ra ở nhiều nước châu Phi. (Ảnh DOWN TO EARTH)

Diễn đàn Nước thế giới là sự kiện quốc tế lớn nhất về nước và các vấn đề liên quan, được Hội đồng Nước thế giới phối hợp nước chủ nhà tổ chức ba năm một lần kể từ năm 1997. Sự kiện quy tụ giới chuyên môn, các nhà hoạch định chính sách, đại diện các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế... Dự Diễn đàn lần này có nguyên thủ nhiều nước châu Phi, châu lục vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng khan hiếm nước. Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng thống Senegal Macky Sall (M.Xôn) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước, đồng thời bày tỏ hy vọng đây sẽ vẫn là trọng tâm của chương trình nghị sự quốc tế.

Trong một báo cáo gần đây của Liên hợp quốc về những nguy cơ cạn kiệt nguồn dự trữ nước ngầm, các tác giả đã xem xét nguồn dự trữ cuối cùng của hành tinh, đó là nước ngầm trong bối cảnh các hồ lớn đang bị thu hẹp, dòng chảy của các sông và suối dần cạn kiệt…

Ước tính, tổng lượng nước ngọt hiện có trên hành tinh dao động trong khoảng từ 11,1 triệu đến 15,9 triệu km3, và lượng nước ngọt nằm trong các tầng chứa nước - sâu 2 km đầu tiên của vỏ Trái đất - chiếm 99% trữ lượng của thế giới. Các hệ thống nước ngầm này phân bố không đồng đều, và có kích thước rất khác nhau: Từ dưới 100 km2 đến hơn 1.000.000 km2 với độ dày từ 10 m đến hơn 1.000 m. Thậm chí các túi nước ngọt còn được tìm thấy dưới đáy đại dương.

Các nhà khoa học lo ngại tốc độ suy giảm của nguồn tài nguyên nước, trong đó một phần là nước lợ, vốn không thể phục hồi được. Theo các chuyên gia, tốc độ cạn kiệt của nguồn nước này nhanh một cách đáng kể trên quy mô toàn cầu. Vào đầu thế kỷ 21, ước tính sẽ mất khoảng 100 đến 200 km3 mỗi năm, chiếm 15% đến 25% tổng lượng nước khai thác. Mực nước sụt giảm liên tục trong các hệ thống tầng chứa nước ngầm của lưu vực sông Hằng-Brahmaputra, vùng đồng bằng rộng lớn ở phía bắc Trung Quốc, hoặc thung lũng miền trung California, nơi đang phải tìm ra các giải pháp tốn kém để thay thế cho các tầng chứa nước bị khai thác quá mức. Những biến động thủy lợi đang khiến nền đất ở một số đô thị như Jakarta (Indonesia) ngày càng yếu đi, thậm chí lún xuống từ 1 đến 28 cm mỗi năm, như ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Băng Cốc (Thái Lan), Houston (Mỹ)…

Trong các tầng nước ngầm, tài nguyên có thể ít bị ô nhiễm hơn ở ngoài trời, nhưng không vì thế mà thoát khỏi nguy cơ ô nhiễm. Ngoài hiện tượng ô nhiễm là tự nhiên, liên quan sự hiện diện của asen và florua trong lòng đất, thì phần lớn các nguy cơ ô nhiễm khác đến từ bề mặt, nhất là từ hoạt động nông nghiệp. Phân bón hóa học hoặc sinh học, được sử dụng phổ biến khắp thế giới. Nông nghiệp thâm canh đã khiến cho việc sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc kháng sinh trở nên phổ biến; chưa kể nguy cơ ô nhiễm phát thải từ cống rãnh, bãi rác, công nghiệp, đường sá, đường ống... Do sự gia tăng dân số, tiêu dùng cá nhân và những thay đổi trong tập quán canh tác, nhu cầu về nước đã bùng nổ trên Trái đất, nước ngầm bị khai thác nhiều hơn. Tỷ trọng khai thác nước ngầm vào năm 1950 chỉ là 12%, thì đến năm 2017 tỷ lệ này lên đến 25%.

Báo cáo của Liên hợp quốc lưu ý, con người chưa nắm rõ hết nguồn nước ngầm do đó thường đánh giá thấp, quản lý sai và thậm chí lãng phí nước ngầm. Alice Aureli, chuyên gia của Chương trình Thủy văn quốc tế của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), cho biết: "Khi có hạn hán lớn, dịch bệnh nghiêm trọng hoặc sau một trận động đất, nguồn nước ngầm này có thể giúp ích nhiều hơn so với việc dùng máy bay để chuyển từng chai nước tới các nạn nhân". Trước thực trạng nêu trên, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nguồn dự trữ nước ngầm và tăng cường quản lý nguồn tài nguyên này cần được thực hiện cấp bách.

https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/tim-giai-phap-bao-ve-nguon-nuoc-691219/

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.