Đến Bắc Hà, hòa bước cùng điệu múa xòe

Huyện Bắc Hà (Lào Cai) - nơi được gọi là “cao nguyên trắng”, những năm gần đây đã trở thành một điểm đến du lịch văn hóa, sinh thái hấp dẫn với du khách bốn phương. Đến nơi đây, du khách cũng có thể được chiêm ngưỡng những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật như điệu xòe của đồng bào dân tộc Tày ở Tà Chải.

Hội Xòe của người Tày ở Tà Chải.

Xòe Tà Chải có từ rất lâu đời, từ khoảng thế kỷ XVIII, được phát triển lên từ phần hội của các nghi lễ cầu mùa, làm then... Đây là nét sinh hoạt văn hóa quan trọng bậc nhất của cộng đồng người Tày. Xòe Tà Chải còn gắn liền với vị chúa đất vùng này cách đây cả thế kỷ là Hoàng Yến Chao (cha của Hoàng A Tưởng), bởi ông rất quan tâm đến xòe. Khi xây dựng dinh thự Hoàng A Tưởng (khởi công năm 1914, hoàn thành năm 1921), ông đã cho thiết kế ở khoảng giữa của dinh thự một sân rộng làm sân xòe. Cũng từ đây, xòe Tà Chải được cải biên thêm những nét mới của văn hóa Pháp. Sự giao thoa giữa văn hóa Á - Âu đã khiến những vòng xòe thêm mềm mại, sinh động, vừa có nét phóng khoáng, dân dã của đồng bào vùng cao, vừa có chút nhẹ nhàng, lãng mạn của điệu Valse cổ điển. Đó là điểm làm nên sự đặc biệt của xòe Tà Chải so với xòe ở những nơi khác.

Múa xòe gồm nhiều điệu thức như: xòe khăn, xòe quạt, xòe nón, xòe sạp... các điệu múa đều thể hiện tinh thần bình đẳng, không phân biệt trai gái, già trẻ, vòng xòe càng nhiều người tham gia càng đậm đà, ấm cúng. Những người tham gia múa xòe tay trong tay, chân bước nhịp nhàng theo tiếng cồng chiêng, tiếng bài hát "Inh lả ơi", "Múa xòe hoa"... ngân vang núi rừng Tây Bắc. Những điệu xòe phổ biến và nổi tiếng hơn cả là điệu múa nón, múa sạp, múa quạt, múa vòng… Các điệu múa này thể hiện tình đoàn kết cộng đồng cao, tất cả mọi người tham dự nắm tay nhau, vừa múa hát, vừa nhảy múa theo tiếng khèn, tiếng cồng, chiêng rộn rã. Vòng xòe càng nhiều người tham gia càng thể hiện sự đậm đà, ấm cúng. Các điệu xòe đều khởi nguồn từ hiện thực cuộc sống, của lao động sản xuất như gánh nước, xay thóc, giã gạo, hái rau, bắt cá…

Nổi bật là điệu xòe Then là loại hình nghệ thuật có sự tham gia của nhiều người, ở nhiều lứa tuổi khác nhau trong cộng đồng dân tộc Tày. Ngoài thầy Then làm nhiệm vụ chủ trì cúng các thần thánh thì những người tham gia xòe Then, hát Then là những đồng bào Tày tại địa phương.

Vòng xòe trên "cao nguyên trắng" luôn hấp dẫn du khách.

Xòe Then trước kia thường được tổ chức vào mùng 3 tháng Giêng và 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Khi những cơn mưa xuân vẫn đang lất phất, tiết trời vẫn lành lạnh thì từng vòng tay người nọ đen xen với những người kia nhảy múa bên đống lửa đã trở nên một nét văn hóa vô cùng đặc sắc của người dân tộc Tày nơi đây.

Mỗi điệu đều có những nét đặc trưng riêng, nhưng tất cả đều gắn với đời sống lao động sản xuất của đồng bào nơi đây. Xòe mang đến tiếng cười cho bản làng, thôn, xóm, giúp mọi người quên nhọc nhằn trong lao động, sống vui vẻ, lạc quan hơn.

Người Tà Chải có câu “Mí cốc chắng mí pai, mí sai chắng mí chứa” (Có gốc mới có ngọn, có cây mới có cành). Xòe Tà Chải là sự kế thừa và phát huy của bao thế hệ, đời ông cha đi trước truyền lại cho đời con cháu theo sau. Những thế hệ nghệ nhân đầu tiên như Vàng Văn Tỉ, Giàng Po Thai, Lăm Po Rằn... đã khuất núi, thế hệ lớp thứ hai như nghệ nhân Lâm Văn Lù, Vàng Thị Tiều... cũng chẳng còn nhiều. Nhưng “tre già măng mọc”, những “cây đại thụ” xòe trên Tà Chải vẫn ngày ngày truyền dạy cho con cháu đời sau những làn điệu xòe truyền thống, giữ gìn hồn sắc dân tộc Tày nơi đây. Tiếng kèn, tiếng trống của ông, của cha như nhịp ru những đứa trẻ từ vành nôi, lớn lên đôi chút, đứa trẻ được ngắm nhìn điệu xòe của bà, của mẹ. Cứ vậy, vòng xòe của người Tày càng ngày càng rộng hơn, bởi thêm nhịp điệu, vòng tay của những thế hệ trẻ đang tiếp bước những điệu xòe truyền thống.

Với việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (năm 2014), giá trị của nghệ thuật xòe của người Tày Tà Chải được nâng lên một nấc thang mới, không chỉ dừng lại đơn thuần là món ăn tinh thần truyền thống bao đời của đồng bào nơi đây, mà còn là niềm tự hào, vinh dự của một dân tộc có bề dày văn hóa, là nét đẹp gọi mời du khách gần xa đến với Tà Chải để được đắm say trong những điệu xòe./.

Triệu Văn Đường

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.