Hình tượng con hổ trong tín ngưỡng của người Dao ở Lào Cai

Ở Lào Cai, hình tượng con hổ được thể hiện nhiều trong đời sống văn hóa của mỗi dân tộc, nhưng độc đáo hơn cả là hình tượng con hổ (tàu hâu) trong tín ngưỡng của người Dao, biểu trưng cho sức mạnh, bảo hộ cho thần linh cũng như con người, phản ánh quan niệm về thế giới quan và nhân sinh quan của người Dao.
Hình tượng con hổ trên hoa văn thổ cẩm.

Những kiêng kỵ liên quan đến ngày con hổ

Hằng năm, người Dao đều kiêng kỵ ngày con hổ, nhất là ngày Dần đầu năm, họ không làm bất cứ công việc gì, nếu làm thì gia đình, bản làng đó bị thần con hổ nổi giận, quở phạt, làm thương đau cho con người và làm hại gia súc, mùa màng.

Trong sách “Thùng sâu” có ghi, ngày Ất Sửu thổ công ở rừng già, gia chủ và các thành viên trong gia đình kiêng không đi rừng. Ngày Bính Dần thổ công ở trên trời rất tốt cho việc làm nhà hoặc làm bất cứ công việc gì khác. Đối với người họ Chảo, ngày tốt nhất để dựng nhà là ngày Canh Ngọ, chọn giờ Dần là tốt nhất. Làm bàn thờ tổ tiên tuân theo các quy định, kiêng kỵ của dòng họ, có họ chọn ngày Dần, Mùi, Tý, Thìn.

Hình tượng con hổ trên bộ tranh thờ

Hình ảnh con hổ vẽ trong tranh thờ (tranh tổ tiên và tranh Tam Thanh) với ý nghĩa để thờ cúng cầu mong tổ tiên, các vị Tam Thanh phù hộ cho con cháu người Dao. “Tể Phâu” là vị thần được vẽ trong bộ tranh thờ Tam Thanh của người Dao. Trong tranh, vị thần “Tể Phâu” cưỡi con hổ vàng. Người Dao quan niệm vị thần cưỡi hổ này chính là vị thần cai quản thế giới muôn loài trên mặt đất, gồm có con người và các loài vật sinh sống ở trong rừng. Có 5 con hổ vàng trên bức tranh Tổng Đàn 72 vị danh thần thuộc bộ tranh “Hành Phây”...

Con hổ theo quan niệm của người Dao đỏ là địa phủ, là các công tào của địa phủ đi qua rừng núi, cai quản muôn loài vật trong rừng và trên mặt đất. Các vị thần trong tranh vị thần “Tể Phâu” đều cưỡi hổ đi quan sát bảo vệ muôn loài. Tuy là tranh thờ cúng nhưng tùy vào tính chất từng buổi lễ mà thầy Tào sẽ chọn tranh phù hợp. Bộ tranh 4 vị Công Tào sử dụng chính vào nghi lễ cúng đầu năm mới, lễ cấp sắc... 2 bộ tranh được dùng nhiều nhất trong lễ cấp sắc là bộ Hành Phây - Mùi Phan và bộ Đại đường - Hỏi Phan (phan có nghĩa là cái phướn). Hành Phây - Mùi Phan là bộ tranh thờ được họa công vẽ theo truyền thuyết của người Dao để nói lên quyền lực mà người được cấp sắc sẽ nhận.

Hình tượng con hổ trên thẻ ấn (triện dấu)

Con hổ còn được tạo hình ở trên thẻ ấn (triện dấu) của người Dao nhằm in ấn tiền giấy mã sử dụng vào công việc tâm linh, tín ngưỡng của gia đình và cộng đồng dùng trong các nghi lễ.

Người thợ làm triện dấu tạo tác hình con hổ làm tay cầm, đế khắc hình nổi chấm mực đỏ để đóng dấu vuông vào các tờ sớ khi hành lễ. Đối với bản khắc trên gỗ để in dập tiền có 4 mặt, mỗi mặt thợ làm 6 hình con hổ liền nhau, 6 hình con chim, 6 hình con ngựa, 6 hình con rồng.

Ngoài ra, hình ảnh con hổ được thêu trên áo lụa, áo dài của thầy cúng người Dao nhằm bảo hộ cho người thầy có quyền uy, có sức mạnh, bởi quan niệm hổ là chúa tể rừng xanh.

Hình tượng con hổ trong các nghi lễ của người Dao

Trong các nghi lễ như đám ma khô, lễ cấp sắc, lễ tạ ơn… người Dao đỏ đều phải làm lễ rước thần con hổ trong tranh thờ về để làm lễ khai đàn, vì họ quan niệm hình tượng con hổ chính là vị thần hộ pháp có nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ thầy và trò cùng toàn thể người dân trong buổi lễ.

Trong lễ cấp sắc, vào giờ Tý, các thầy thực hành nghi lễ treo tranh thờ trong nhà cấp sắc, thứ tự các bức tranh được treo theo quy định gồm tranh thờ tổ tiên, tranh Tam Thanh... Thần địa phủ cưỡi trên lưng con hổ, thần thái trên khuôn mặt vị thần này đầy khí chất và biểu trưng cho sức mạnh vô song.

Ngoài ra, hình ảnh con hổ được ghi chép thành bài hát trong sách cổ, có một số câu ca như sau: “Đất Tý sinh ra trời nguyên mệnh; đất Sửu sinh thành địa lý hình; đất Dần sinh người cùng trăm thứ... (trích Bàn Cổ ca - cố nghệ nhân Hoàng Sĩ Lực dịch). Hoặc “Điền chân được làm nước mực đen; vẽ được hình rồng hổ tượng đồ”.

Như vậy có thể thấy, con hổ là hình tượng đặc biệt trong cuộc sống vật chất và tinh thần của dân tộc Dao.

Điều đó đã minh chứng và cho thấy con hổ đã gắn bó với dân tộc Dao từ thủa sơ khai cho đến nay, phản ánh đậm chất tín ngưỡng văn hóa đặc trưng dân tộc Dao.

https://baolaocai.vn/bai-viet/352573-hinh-tuong-con-ho-trong-tin-nguong-cua-nguoi-dao-o-lao-cai

 

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.