Ấm áp địu em

 

Những ngày mùa đông lạnh giá này, tới vùng đồng bào Mông ở Bắc Hà, tôi gặp nhiều phụ nữ địu em bé trên lưng lên nương, xuống ruộng, đi chợ hoặc ngồi thêu thùa, may vá… Dù cuộc sống lam lũ, vất vả nhưng những em bé vẫn được họ bao bọc và dành trọn yêu thương. Chị Giàng Thị Say, ở thôn Phìn Giàng A, xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà) bộc bạch: Theo truyền thống, chiếc địu không thể thiếu trong mỗi gia đình người Mông. Nó giúp phụ nữ có thể vừa trông con, vừa nấu cơm, giặt giũ, làm nương, lấy nước... Đứa trẻ được địu trên lưng mẹ cũng được ủ ấm và an toàn.

Cũng theo chị Say, địu con còn giúp người mẹ gần gũi, cảm nhận hơi ấm, tình trạng sức khỏe của con, tăng thêm tình mẫu tử thiêng liêng. Đặc biệt, khi bận, các bà hoặc các chị của em bé sẽ thay con, thay mẹ địu cháu, địu em, giúp tình cảm gia đình thêm khăng khít, thể hiện trách nhiệm chung trong việc chăm sóc, bảo vệ những đứa trẻ trong gia đình.

Không chỉ người Mông, mỗi dân tộc khác nhau lại có những chiếc địu với thiết kế khác nhau, thể hiện sự khéo léo và phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc, vùng miền. Người Tày ở huyện Văn Bàn cũng sử dụng chiếc địu như một vật dụng không thể thiếu đối với những gia đình có trẻ nhỏ.

Tình cờ gặp bà Lương Thị Hợp ở thôn Thị Tứ, xã Võ Lao (huyện Văn Bàn) khi bà đang chuẩn bị đồ thăm cháu mới sinh vừa tròn tháng. Trong túi quà cho con gái và cháu, bà chuẩn bị chăn, khăn bông và một món quà không thể thiếu là chiếc địu. Bà Hợp cho biết: Theo truyền thống người Tày, khi con gái đi lấy chồng, người mẹ làm sẵn chiếc địu đợi đến ngày con gái sinh, đích thân bà ngoại sẽ mang chiếc địu đến cho con gái.

Chiếc địu thể hiện sự cần cù, khéo léo, trí tưởng tượng phong phú của phụ nữ Tày, đặc biệt là phần thân địu được may bằng tấm thổ cẩm đẹp mắt. Đó là hóa thân của cây, hoa, lá, muông thú của quê hương, làng bản với đủ sắc màu rực rỡ. Do vậy, không sai khi nói đứa trẻ ngay từ lúc nhỏ đã được quê hương ôm ấp trong lòng, đồng thời thể hiện kỳ vọng của cha mẹ, họ hàng về một tương lai rộng mở, khôn lớn, thành đạt, trở thành người có trách nhiệm với quê hương, với dân tộc.

Mỗi chiếc địu truyền thống dù của dân tộc nào thì đều trải qua nhiều công đoạn và mất khá nhiều thời gian để hoàn thành, do đó đòi hỏi người làm phải kiên trì, cần mẫn, tỉ mỉ. Còn gì tuyệt vời hơn khi đứa trẻ còn non dại, được bao bọc cẩn thận trên lưng những phụ nữ tần tảo, chịu thương, chịu khó để lớn lên trong tiếng ru, trong tình yêu thương vô bờ của mẹ, của bà, của chị mình. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống mà mỗi dân tộc, mỗi vùng miền trong tỉnh vẫn luôn lưu giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.

https://baolaocai.vn/bai-viet/352192-am-ap-diu-em

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn