Gỡ nút thắt cho xuất - nhập khẩu qua đường sắt

Những năm qua, hoạt động xuất - nhập khẩu bằng đường sắt từ Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) phát triển mạnh, góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất - nhập khẩu và thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua đường sắt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hoạt động vận tải hàng hóa xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, đây lại là cơ hội để đường sắt khai thác thế mạnh của mình.

Chi cục Hải quan Ga đường sắt Quốc tế Lào Cai tiếp tục phối hợp với Ga đường sắt Lào Cai tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu; giải quyết kịp thời các thủ tục hải quan trên hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS), thậm chí chủ động tìm khách hàng. Tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Ga đường sắt Quốc tế Lào Cai đạt hơn 453,4 triệu USD (tăng 53,2% so với cùng kỳ năm 2020); thu ngân sách nhà nước đạt trên 593 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu thu ngân sách được giao 13%.

Ông Quyền Sinh Từ, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Ga đường sắt Quốc tế Lào Cai cho biết: Kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa tại Ga Lào Cai từ năm 2016 đến nay tăng theo từng năm và tương đối ổn định. Dù vậy, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua đường sắt. Cụ thể, tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai đã được người Pháp xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XIX, là tuyến đường sắt quan trọng để vận chuyển hàng hóa, quặng từ phía Tây Nam Trung Quốc ra cảng biển Hải Phòng, dù đã được nâng cấp nhiều lần, nhưng vẫn còn lạc hậu so với thế giới. Do “độ vênh” khổ đường sắt giữa Ga Lào Cai (Việt Nam) - Ga Hà Khẩu (Trung Quốc) nên ảnh hưởng lớn đến năng lực vận tải hàng hóa liên vận giữa Việt Nam - Trung Quốc.

Cán bộ Chi cục Hải quan Ga đường sắt Quốc tế Lào Cai khó khăn trong công tác kiểm soát hàng hóa do hạ tầng kỹ thuật lạc hậu.

Thực tế hiện nay, đường sắt Trung Quốc đã chuyển đổi sang khổ đường 1,435 m từ năm 2014. Điểm cuối của mạng đường khổ này là ga mới Hà Khẩu Bắc, chỉ còn vài tuyến ngắn có đấu nối khổ 1 m. Vì vậy, để tổ chức chạy tàu liên vận, đầu máy Việt Nam sẽ kéo tàu hàng từ ga Lào Cai qua ga Hà Khẩu sang ga Sơn Yêu để làm thủ tục giao nhận. Một cản trở lớn nữa khiến việc xuất - nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt từ Lào Cai sang Trung Quốc gặp khó khăn là các toa xe chở hàng của Việt Nam hiện đã quá cũ, thiết kế lạc hậu, nên hầu hết hàng hóa sau khi xuất cảnh phải dừng lại tại các ga Hà Khẩu, Sơn Yêu, Hà Khẩu Bắc để sang tải, thời gian chờ đợi bốc dỡ hàng hóa rất lâu, phát sinh thêm chi phí. Cùng với đó, hệ thống kho, bãi bảo quản hàng hóa (nhất là bảo quản hàng đông lạnh, nông sản), hệ thống đường bộ kết nối từ các tuyến quốc lộ, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Ga Lào Cai còn thiếu đồng bộ, nên chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ logistics đã cản trở việc vận chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu.

Để thúc đẩy xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Ga Lào Cai, vừa qua, Ban Quản lý dự án đường sắt đã trình Bộ Giao thông vận tải xem xét, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đấu nối ray khổ 1,435 m giữa Ga Lào Cai đi Ga Hà Khẩu Bắc, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 2.206 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thành sẽ giúp Việt Nam chủ động chuyển tải hàng hóa và hành khách tại Ga Lào Cai, rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa xuất - nhập khẩu giữa 2 nước Việt Nam - Trung Quốc, giảm chi phí vận tải đường sắt, thúc đẩy phát triển vận tải hàng hóa bằng đường sắt, tăng thêm thị phần vận tải đường sắt.

Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) cần tiếp tục đẩy mạnh trao đổi với chính quyền tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về các chủ trương, chính sách xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh và phương án tăng danh mục mặt hàng xuất - nhập khẩu bằng đường sắt, nhất là mặt hàng nông sản, góp phần nâng cao hiệu suất làm thủ tục thông quan hàng hóa tại Chi cục Hải quan Ga đường sắt Quốc tế Lào Cai.

Cùng với các giải pháp nêu trên, ngành hải quan cũng cần tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động vận chuyển, xuất - nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt từ Lào Cai đi Hà Khẩu.

https://baolaocai.vn/bai-viet/352317-go-nut-that-cho-xuat--nhap-khau-qua-duong-sat

Theo Ba Zin/LCĐT

Tin Liên Quan

Các đơn vị, nhà máy sản xuất công nghiệp vận hành ổn định, an toàn

Theo tin từ Sở Công Thương, đến thời điểm này, các đơn vị, nhà máy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vận hành ổn định, an toàn.

Giữ vững đà tăng trưởng ngành công nghiệp

Không khí thi đua lao động tại các công ty, nhà máy, đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì khá sôi nổi, với quyết tâm hoàn thành sớm kế hoạch năm.

Lào Cai cần cơ cấu lại công nghiệp theo hướng "xanh", quy mô lớn và bền vững

Làm việc với tỉnh Lào Cai ngày 30/8 về triển khai hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Lào Cai cần cơ cấu lại công nghiệp theo hướng "xanh", quy mô lớn và bền vững.

Gần 90 doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan tham gia kết nối giao thương

Sáng 29/8, trong khuôn khổ chương trình “Gặp gỡ Thái Lan” lần thứ 2 tại tỉnh Lào Cai, hơn 80 doanh nghiệp của Việt Nam đã tham gia chương trình kết nối giao thương với 9 doanh nghiệp Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực spa, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp và các sản phẩm sử dụng trong khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Sản xuất ván bóc sôi động trở lại

Từ đầu năm đến nay, các cơ sở chế biến gỗ ván bóc trên địa bàn tỉnh nhận được nhiều đơn hàng với giá bán sản phẩm tăng so với trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi của ngành gỗ sau gần 2 năm trầm lắng.

Hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào thị trường Trung Quốc

Sáng 6/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH tổ chức Hội thảo hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật sang Trung Quốc theo Lệnh 248, 249.