Lào Cai ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số

Với mục tiêu thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững, Tỉnh ủy Lào Cai vừa ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Để thực hiện các chỉ tiêu chính về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, Lào Cai sẽ triển khai 5 nhóm giải pháp nhằm phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Lào Cai trong nhóm các tỉnh, thành phố ở mức khá về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số. Đó là: Tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức; Xây dựng thể chế, chính sách, đảm bảo nguồn lực cho chuyển đổi số; Phát triển hạ tầng số, nền tảng số; Ưu tiên trong từng lĩnh vực chuyển đổi số; Bảo đảm an toàn dữ liệu, thông tin và an ninh mạng.

Trọng tâm là xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm nhiệm vụ chuyển đổi số, nhân lực số tỉnh Lào Cai; hỗ trợ thu hút, đào tạo chuyên gia của tỉnh về an toàn thông tin, an ninh mạng, chuyển đổi số. Chính sách hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thu hút đầu tư phát triển công nghệ số và các các cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Thực hiện gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa cải cách thủ tục hành chính với phát triển chính quyền số, đô thị thông minh, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số. Rà soát các thủ tục hành chính, quy trình nghiệp vụ trong các cơ quan trong hệ thống chính trị theo hướng đơn giản hóa hoặc thay đổi phù hợp để có thể ứng dụng hiệu quả công nghệ số.

Lào Cai cũng chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số với việc thúc đẩy phát triển hạ tầng mạng viễn thông thế hệ mới, hạ tầng Internet vạn vật (IoT); tái cấu trúc, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, trung tâm dữ liệu, hệ thống mạng nội bộ, mạng diện rộng, mạng truyền số liệu chuyên dùng trong hệ thống chính trị làm nền tảng phục vụ cho chuyển đổi số. Thực hiện lộ trình số hóa hạ tầng thiết yếu khác phục vụ chính quyền số, đô thị thông minh, kinh tế số và xã hội số, như: hạ tầng giao thông, điện, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, kinh tế, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch,…Xây dựng, phát triển, ứng dụng các nền tảng số, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, nền tảng đô thị thông minh, nền tảng ứng dụng di động, nền tảng dịch vụ dùng chung, dữ liệu dùng chung, định danh, xác thực điện tử, thanh toán điện tử, giám sát an toàn, an ninh mạng,…

Đối với các nội dung ưu tiên chuyển đổi số, Lào Cai chú trọng phát triển 3 trụ cột chính là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Phát triển chính quyền số đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội. Phát triển kinh tế số, ưu tiên tập trung phát triển kinh tế số gắn với xã hội số các ngành, lĩnh vực: Du lịch, kinh tế cửa khẩu, giao thông vận tải, logictics; nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại điện tử, hỗ trợ đưa các sản phẩm chủ lực của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ số, dữ liệu số thúc đẩy kinh tế số các ngành, lĩnh vực khác. Triển khai chương trình, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thúc đẩy thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt và dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin. Phát triển xã hội số, trọng tâm bằng việc phát triển hạ tầng Phổ cập mạng 4G, 5G, kết nối internet băng rộng, địa chỉ số đến đến hộ gia đình. Triển khai định danh và xác thực điện tử, danh tính số, chữ ký số cá nhân để hình thành công dân số. Chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, Kinh tế số công nghệ thông tin - viễn thông (ICT); kinh tế số nền tảng; kinh tế số ngành - lĩnh vực truyền thông; Cung cấp kênh giao tiếp trên nền tảng số, cung cấp dịch vụ thiết yếu về y tế, giáo dục, an sinh xã hộị, văn hóa, báo chí, truyền thông,...Đồng thời phát triển nguồn nhân lực số, phát triển kỹ năng số trong xã hội. Phát triển đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số đồng bộ, ưu tiên trước tại thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai, tập trung vào các dịch vụ, lĩnh vực giải quyết các vấn đề bức thiết, nhu cầu thiết yếu của xã hội, như: y tế; giáo dục và đào tạo; du lịch, văn hóa; giao thông, xây dựng, đô thị, logistics; nông nghiệp; môi trường; an ninh trật tự an toàn xã hội; dịch vụ đô thị thông minh khu kinh tế cửa khẩu.

Theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Lào Cai xếp vị trí thứ 32/63 tỉnh, thành phố về mức độ chuyển đổi số năm 2020.

MỤC TIÊU CHUYỂN ĐỔI SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI

1. Mục tiêu chung

 Chuyển đổi số tỉnh Lào Cai, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số, phát triển đô thị thông minh, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong hệ thống chính trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, hoạt động đối ngoại, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh và bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

- Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Lào Cai trong nhóm các tỉnh, thành phố ở mức khá về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số. Phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu chính về chính quyền số (nội hàm bao gồm triển khai trong toàn hệ thống chính trị: cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội), kinh tế số, xã hội số cụ thể như sau:

a) Phát triển chính quyền số, đô thị thông minh

- 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị được đầu tư đảm bảo về hạ tầng công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng phục vụ triển khai chính quyền số.

- 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị được số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành, kết nối thông suốt, chia sẻ dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

- 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Trên 80% đơn vị cấp xã có hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ số.

- 100% báo cáo định kỳ phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh đáp ứng yêu cầu được thực hiện trực tuyến; kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ theo danh mục quy định. - 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý nhà nước.

- 100% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, 80% hồ sơ được xử lý giải quyết trực tuyến.

- 100% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số.

- Phát triển đô thị thông minh gắn với chuyển đổi số đồng bộ trên địa bàn thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai, tập trung vào các lĩnh vực, dịch vụ: du lịch, văn hóa; y tế; giáo dục và đào tạo; giao thông, xây dựng, đô thị; nông nghiệp; môi trường; an ninh trật tự an toàn xã hội; dịch vụ đô thị thông minh khu kinh tế cửa khẩu đáp ứng mục tiêu an ninh, an sinh, an toàn; nhân rộng đến các điểm, lĩnh vực thuộc địa phương khác khi đảm bảo điều kiện.

b) Phát triển kinh tế số

- Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh bằng mức trung bình chung của cả nước (phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 15 -20% GRDP của tỉnh).

- Thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi số các doanh nghiệp, phát triển thương mại điện tử, kinh tế số các ngành, lĩnh vực. Trên 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số; 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử, tham gia thương mại điện tử.

c) Phát triển xã hội số

- Hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ tới 80% hộ gia đình, 100% xã, 80% thôn, 100% trường học, cơ sở y tế, 100% doanh nghiệp. Phổ cập dịch vụ mạng băng rộng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh cho người dân trong độ tuổi lao động. Trên 50% người dân có nhu cầu thanh toán có tài khoản thanh toán điện tử. Mỗi người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; mỗi học sinh, sinh viên có hồ sơ số về việc học tập cá nhân.

- Phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn, trang bị kỹ năng số cơ bản cho người dân, doanh nghiệp, trên 60% người dân có kỹ năng số cơ bản.

3. Định hướng đến năm 2030

a) Phát triển chính quyền số:

100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến. 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc cấp huyện, xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số. Kết nối, liên thông chia sẻ dữ liệu thông suốt, đồng bộ trong 100% cơ quan trong hệ thống chính trị. Tiếp tục phát triển đô thị thông minh đồng bộ, góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững.

b) Phát triển kinh tế số, xã hội số:

Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh đứng trong top khá của cả nước (phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 20 - 25% GRDP của tỉnh). 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số. Phổ cập dịch vụ mạng internet băng rộng cáp quang, dịch vụ mạng di động 5G. Trên 80% người dân có kỹ năng số cơ bản.

 

 

Thu Hương

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).