Lào Cai: Biến di sản thành tài sản

Qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc Lào Cai, giai đoạn 2011-2015, với sáng kiến “Biến di sản thành tài sản”, tỉnh Lào Cai đã tập trung trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, các di sản văn hóa thành các tuyến, điểm, sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Đến nay 100% các di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh của Lào Cai đã được trùng tu tôn tạo. Tiêu biểu như: Cụm di tích Đền Bảo Hà và Đền Cô Tân An - “Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy”, là địa chỉ du lịch tâm linh của hàng vạn lượt du khách mỗi năm trong hành trình “Du lịch về cội nguồn”. Cụm di tích Đền Thượng - Đền Mẫu - Đền Đôi Cô (thành phố Lào Cai) thu hút du khách thập phương, nhất là dịp lễ hội đầu xuân. Nguồn thu của các di tích tiêu biểu tỉnh Lào Cai mỗi năm đạt khoảng từ 25 đến 30 tỷ đồng.

Chương trình “Mỗi dân tộc, mỗi vùng đất có 1 đặc sản mang dấu ấn văn hoá tộc người” cũng được Lào Cai thực hiện hiệu qủa. Tỉnh đã lựa chọn danh sách 11 cây, con đặc sản lựa chọn để bảo tồn, đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Nhờ vậy, các nông, thổ sản của Lào Cai gắn với di sản văn hóa của các dân tộc sinh sống ở Lào Cai có giá trị kinh tế rất cao như: Rượu San Lùng, gạo nếp hoa vàng (huyện Bát Xát); thổ cẩm người Xá Phó; thêu sáp ong người Mông, thuốc tắm người Dao (Sa Pa); mận tam hoa, rượu ngô, gà đen (Bắc Hà); gạo Séng cù, lợn đen, tương ớt (Mường Khương).



Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà đã trở thành một thương hiệu văn hóa
của Lào Cai. (Ảnh: Phạm Sơn)

Một số giá trị văn hóa đã dần trở thành thương hiệu của riêng Lào Cai như: Chảo thắng cố Bắc Hà được công nhận kỷ lục Guinness Việt Nam, giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, Lễ hội trên mây Sa Pa,…Các giá trị văn hoá trên đã được nghiên cứu tổng kết và nâng cao tạo thành các sản phẩm gây được sự chú ý của du khách trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao gấp 3 đến 4 lần các sản phẩm cùng loại, cải thiện đời sống cho người dân và tạo môi trường bảo tồn các di sản văn hoá.

Đặc biệt ở Sa Pa đã nghiên cứu cuộc sống hằng ngày của nhân dân để xây dựng các sản phẩm của du lịch như “Một ngày làm nông dân người Dao”, “Một ngày làm cô dâu người Mông”. Ở các làng du lịch cộng đồng từ văn hóa ẩm thực đến các nghề thủ công, thêu thổ cẩm và lời ca tiếng hát,… đều trở thành tài sản, hàng hóa trao đổi với du khách. Tỷ lệ xóa hộ đói nghèo ở các làng du lịch cộng đồng nhanh gấp 2 đến 3 lần các làng không tham gia hoạt động du lịch.

Kết quả và hiệu quả của sáng kiến “biến di sản thành tài sản” tại Lào Cai đã chứng minh rằng các dân tộc, các vùng đất với đặc trưng di sản văn hóa khác nhau có thể phát triển kinh tế từ những lợi thế về giá trị di sản văn hóa của dân tộc mình. Di sản văn hóa gắn với các nông thổ sản, sản phẩm đặc trưng hoàn toàn có thể tạo ra giá trị kinh tế cao, tạo ra nguồn lực vật chất, nguồn lực tài chính để nâng mức sống của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở Lào Cai./.
Hải Nam

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.