Kiên quyết không trình Quốc hội dự án luật không đảm bảo chất lượng

Sáng 3/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Kết luận số 19 –KL/TW, ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Tại tỉnh Lào Cai, dự hội nghị có các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lý Bình Minh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai.

Phát biểu quán triệt Kết luận số 19 – KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và chỉ đạo hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: Mục tiêu công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung pháp lý thể chế phát triển để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2025, các định hướng phát triển đất nước, các nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đề nghị việc xây dựng pháp luật phải thận trọng, chắc chắn, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, bám sát, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch. Trước mắt, chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Khắc phục ngay tình trạng văn bản thiếu tính ổn định, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật...

Tiếp đó, hội nghị đã triển khai các nhóm định hướng lớn, định hướng, nhiệm vụ cụ thể cần tập trung thực hiện trong chương trình xây dựng pháp luật và tham luận của các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương về kế hoạch triển khai chương trình xây dựng pháp luật của địa phương, đơn vị.

Theo đó, 8 nhóm định hướng lớn chương trình xây dựng pháp luật, đó là: Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, xây dựng khung chính sách pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến độ, công bằng xã hội, phòng ngừa và ứng phó với biến đổi với dịch bệnh có quy mô tác động lớn, nâng cao chất lượng dân số. Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, trọng tâm là pháp luật về đất đai nhằm quản lý chặt chẽ, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho đất nước phát triển. Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm môi trường, hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nội luật hóa đầy đủ, kịp thời cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy hơn vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên. Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, tạo lập khung pháp lý cho sự vận hành của Chính phủ điện tử, hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương, hoàn thiện tổ chức chính quyền địa phương, hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp, xử lý tham nhũng...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Việc triển khai xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo cả về nội dung, hình thức, đảm bảo khả thi và có tính ổn định; kiên quyết không trình Quốc hội xem xét những dự án luật chưa đảm bảo chất lượng. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan của Quốc hội, các cấp, các ngành, địa phương ưu tiên xây dựng pháp luật ở lĩnh vực mới, trọng điểm, tính khả thi cao, góp phần tạo sự đột phá về phát triển xã hội. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ lập pháp được giao, cần chú trọng nâng cao nhận thức về công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, ưu tiên chất lượng, khắc phục cơ bản những tồn tại đã được chỉ ra. Đổi mới quy trình, thủ tục, hiệu quả công tác xây dựng, ban hành, phối hợp của các cơ quan hữu quan trong ban hành các văn bản pháp luật, đồng thời siết chặt lỷ luật, kỷ cương, tuân thủ các quy trình của luật định. Công tác soạn thảo, lấy ý kiến được tổ chức triển khai hiệu quả, quan tâm chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng luật, quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, gắn với trách nhiệm của tập thể, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong việc xây dựng văn bản luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ: Xây dựng pháp luật là nhiệm vụ quan trọng, cần ưu tiên hàng đầu của hệ thống chính trị. Trước mắt, trong năm 2022 là năm bản lề trong thực hiện chương trình, đề án định hướng xây dựng chương trình pháp luật, cần nghiêm túc triển khai toàn diện, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

https://baolaocai.vn/bai-viet/349054-kien-quyet-khong-trinh-quoc-hoi-du-an-luat-khong-dam-bao-chat-luong

Theo Lan Hương/LCĐT

Tin Liên Quan

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.