Hành trình 30 năm mở lối giao thương

Tháng 8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết tái lập tỉnh Lào Cai và ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động. Hành trình 30 năm mở lối giao thương cho tuyến hành lang kinh tế Quảng Ninh - Hà Nội - Lào Cai (Việt Nam) với Côn Minh (Trung Quốc) cũng bắt đầu.
Cửa khẩu Lào Cai hôm nay đã trở thành tuyến hành lang kinh tế quan trọng phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ ý tưởng cầu nối hành lang kinh tế lớn…

Tháng 9/1958, Lào Cai vinh dự đón Bác Hồ lên thăm. Trên đồi C17 - nơi pháo đài đánh Pháp năm xưa - nhìn lên phía biên giới, nay là khu vực cửa khẩu quốc tế, Bác Hồ thay mặt Đảng, Chính phủ căn dặn cán bộ, đồng bào Lào Cai: Cần tăng cường giao thương hữu nghị để phát triển kinh tế, xây dựng hậu phương lớn miền Bắc, đảm bảo nhiệm vụ đón nhận hàng hóa viện trợ của các nước XHCN cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.

Đảng bộ, đồng bào Lào Cai đã phấn đấu thực hiện trọn vẹn trọng trách Bác giao.

Sau ngày đất nước thống nhất, Nhân dân các dân tộc vùng biên giới Lào Cai mặc dù phải trải qua thời kỳ gian khổ tập trung thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược vừa xây dựng “pháo đài” bảo vệ biên giới, vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn sẵn sàng nối lại giao thương, dựng lại vị thế cửa khẩu quốc tế.

Ngày 12/8/1991, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết tái lập tỉnh Lào Cai và ngày 1/10/1991, tỉnh Lào Cai chính thức đi vào hoạt động. Hành trình 30 năm mở lối cho tuyến hành lang kinh tế Quảng Ninh - Hà Nội - Lào Cai (Việt Nam) với Côn Minh (Trung Quốc) cũng bắt đầu. Những dấu ấn nhiều người Lào Cai vẫn ghi nhớ đó là vào tháng 4/1992, Tổng Bí thư Đỗ Mười trong chuyến thăm và thị sát Lào Cai đã đưa ra quyết định sáng suốt chọn vị trí thị xã xưa, đang là vùng đất hoang tàn, đầy bom mìn và cây dại để xây dựng lại trung tâm tỉnh lỵ Lào Cai. Tiếp đó, tháng 8/1992, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt thăm, kiểm tra việc triển khai quy hoạch thành phố tương lai, với vai trò vị thế cầu nối trong thời đại hội nhập và phát triển.

Từ đây, cuộc hành trình nối lại giao thương, vừa đấu tranh, vừa xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, đòi hỏi tinh thần sáng tạo và nghị lực mới của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh và đồng bào các dân tộc. Chỉ gần 1 năm sau, ngày 18/5/1993, đoạn đường sắt dài 34 km Phố Lu - Lào Cai thông tuyến lên tận cầu Hồ Kiều, sau đó, Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai nối với Hà Khẩu vốn bị khóa chặt suốt 15 năm đã được mở lại; tháng 6/1993, cơ quan cuối cùng của tỉnh rời khu tập kết tại huyện Bảo Thắng về thị xã tỉnh lỵ Lào Cai.

Ngày 30/3/2001, Tỉnh ủy khóa XII ban hành 7 chương trình công tác trọng tâm, 29 đề án hướng về cơ sở đánh dấu thành tựu 10 năm đầu xây dựng lại tỉnh Lào Cai, mở ra thời cơ mới trong hành động cách mạng, trước thiên niên kỷ mới hội nhập và phát triển. Tháng 1/2001, tỉnh Lào Cai khởi công Đại lộ Trần Hưng Đạo và Khu Đô thị mới Lào Cai - Cam Đường, đầu tư xây dựng các cơ quan tỉnh hợp khối để “dời dinh, chuyển tỉnh lỵ đón cơ hội mới cho thành phố cầu nối thương mại - dịch vụ và du lịch”. Năm 2003, sáp nhập thị xã Cam Đường vào thị xã Lào Cai và 1 năm sau được nâng tầm thành phố.

Sự kiện lịch sử ngày cuối cùng của năm 2007, Lào Cai là tỉnh đầu tiên hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt - Trung. Từ năm 2000, các hội chợ thương mại biên giới Việt - Trung được tổ chức luân phiên hằng năm giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc). Cũng từ đây, các chuyến thăm và làm việc giữa lãnh đạo 2 tỉnh đã thúc đẩy mạnh mẽ giao thương kinh tế - văn hóa và Nhân dân. Hợp tác toàn diện giữa 2 tỉnh Lào Cai và Vân Nam được coi là hình mẫu cho sự năng động trong hợp tác kinh tế, giữ vững ổn định vùng biên, mở ra vị thế cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế. Thành phố Lào Cai được tôn vinh là “Thành phố hòa bình”, được Chủ tịch nước vinh danh là “Thành phố anh hùng thời kỳ đổi mới”. Kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh dân sự Lào Cai (1907 - 2007), Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đón nhận phần thưởng lớn: Huân chương Hồ Chí Minh.

... đến Lào Cai rạng rỡ hôm nay

Từ phố cổ Lão Nhai qua các triều đại phong kiến Việt Nam trở thành thủ phủ đạo quan binh Lao Kay năm 1905, thủ phủ tỉnh dân sự Laokay năm 1907, nay là thành phố Lào Cai sầm uất và năng động, trung tâm hành chính với vị thế cầu nối giao thương, viết tiếp huyền thoại “con đường tơ lụa”.

Chặng đường lao động, đấu tranh và xây dựng vẫn có đổ máu và nước mắt trong thời bình để thông tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, dựng lại cầu Hồ Kiều, nâng cấp Quốc lộ 70 cùng với phấn đấu kết thúc phân giới cắm mốc biên giới, rồi quyết định chuyển tỉnh lỵ về Khu Đô thị mới Lào Cai - Cam Đường đón cơ hội vàng cho đầu tư Khu Kinh tế cửa khẩu là hành trình gian khổ nhưng vững tin vào tương lai. Vị thế đầu cầu kết nối giao thương không chỉ cho Lào Cai mà cho kinh tế xuất - nhập khẩu của đất nước. Sau những năm đầu tư xây dựng cầu Hồ Kiều II, cầu Kim Thành, cảng cạn (ICD) Lào Cai, Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai, cao tốc Nội Bài - Lào Cai… hôm nay, hành lang kinh tế Quảng Ninh - Hà Nội - Lào Cai với Côn Minh và vùng Tây Nam Trung Quốc đã thành hiện thực. Kim ngạch xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai theo đà tăng trưởng: Năm 2000 đạt hơn 400 triệu USD, năm 2010 đạt hơn 1 tỷ USD, năm 2020 đạt hơn 3,2 tỷ USD. Hàng hóa qua cầu Kim Thành trong đại dịch Covid-19 luôn có hơn 400 doanh nghiệp đăng ký xuất - nhập khẩu, đứng vị trí tốp đầu xuất siêu của Việt Nam trong xuất khẩu nông sản hàng hóa, góp vào thu ngân sách địa phương trên 1.400 tỷ đồng…

Con đường tơ lụa xưa mà các nhà buôn tư bản vẽ lên phục vụ sự bành trướng, chiếm đóng thuộc địa, nay trở thành tuyến hành lang kinh tế quan trọng phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ lối mở giao thương trong lịch sử, trở thành cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế đất nước, đưa vị thế Lào Cai viết tiếp trang sử giao thương trong thời kỳ mới. Mục tiêu Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh xác định: “Xây dựng Lào Cai phát triển toàn diện, trở thành trung tâm, cầu nối giao thương kinh tế, đối ngoại giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc; đến năm 2025 Lào Cai tiếp tục là tỉnh phát triển của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá, năm 2045 trở thành tỉnh phát triển của cả nước” thắp sáng niềm tin thắng lợi cho thế hệ hôm nay.

https://baolaocai.vn/bai-viet/346856-hanh-trinh-30-nam-mo-loi-giao-thuong

Theo Phạm Vũ Sơn/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).