Nắng nóng sẽ gia tăng, khắc nghiệt hơn tại Châu Á

Các đợt nắng nóng khắc nghiệt đã trở nên thường xuyên hơn và rất có thể sẽ tăng ở các khu vực của châu Á (trong đó có Việt Nam). Các ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm, như cao hơn 41°C sẽ xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với những năm gần đây.

Ngày 9/8/2021, Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã công bố những kết quả đánh giá mới nhất về khoa học biến đổi khí hậu. Đây là một trong 3 báo cáo quan trọng về đánh giá biến đổi khí hậu lần 6 (AR6).  Báo cáo có sự đóng góp của khoảng 234 nhà khoa học từ 66 quốc gia và đã dựa trên 14.000 trích dẫn nghiên cứu khoa học để đưa ra kết luận về những điểm đáng lo ngại của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay.

Đánh giá về các kịch bản và mức độ nguy hiểm của biến đổi khí hậu theo báo cáo AR6, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu đã chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.

 Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Phóng viên (PV): Báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu lần thứ 6 (AR6) có gì mới so với các báo cáo trước đây thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng: Báo cáo của IPCC lần này dựa trên kết qủa của hơn 100 phiên bản mô hình với đầu vào là 5 kịch bản phát thải khí nhà kính so với 4 kịch bản phát thải RCP của báo cáo AR5.

Với 5 kịch bản phát thải có tên gọi mới “Kịch bản chia sẻ kinh tế - xã hội” (SSP) được xây dựng dựa trên giả định về sự phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai. Đó là các kịch bản sử dụng năng lượng, kiểm soát ô nhiễm không khí, việc sử dụng đất và phát thải khí nhà kính  bằng cách sử dụng các mô hình đánh giá tích hợp.

Với những cải thiện mới, kỳ vọng báo cáo đánh giá lần thứ 6 này của IPCC cho phép đưa ra những dự báo tin cậy hơn về sự nóng lên trong tương lai và những biến đổi toàn cầu liên quan đến BĐKH.

PV: Ông có thể cho biết những thông điệp quan trọng trong Báo cáo AR6 ?

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng: AR6 giải thích rằng sự nóng lên trong giai đoạn 2021-2040 rất có khả năng vượt quá 1,5°C trong điều kiện lượng phát thải rất cao và cũng có khả năng xảy ra như vậy trong điều kiện phát thải trung bình hoặc cao.

Theo AR6, chúng ta đang nổ lực để ít nhất là đến năm 2040, nhiệt độ chỉ tăng thêm 1,5°C - một giới hạn nóng lên tối thiểu đã được đặt ra bởi Thỏa thuận Paris. Trên thực tế, nhiệt độ bề mặt toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cho đến ít nhất là giữa thế kỷ, bất kể nỗ lực của các quốc gia để làm giảm thiểu điều này. Do vậy, những việc chúng ta cần làm lúc này cho tương lai của Trái đất là ngay lập tức thực hiện cắt giảm khí nhà kính, việc giảm phát thải vẫn có thể làm giảm tác động đến các thế hệ tương lai và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C. Báo cáo AR6 cũng khẳng định nhiệt độ bề mặt biển trung bình toàn cầu (SST) đã tăng lên trong thế kỷ 20.

AR6 cũng đưa ra dự báo nguy cơ mưa, lũ cực đoan ngày càng gia tăng. Báo cáo AR6 chỉ rõ biến đổi khí hậu đã và đang có tác động đến chu trình nước và dẫn đến những hiện tượng cực đoan. Theo đó, các kết quả được đưa ra với độ tin cậy cao khi hành tinh nóng lên bao gồm: Các đợt mưa lớn dữ dội hơn và nguy cơ lũ lụt lớn hơn, hạn hán ngày càng nghiêm trọng do sự nóng lên trên đất liền làm tăng lượng bốc hơi. Sự thay đổi hoàn lưu nhiệt đới làm tăng cường mưa cực trị ở các vùng gió mùa.

AR6 cũng chỉ rõ các tác động của con người là nguyên nhân chính cho sự nóng lên toàn cầu. Một thực tế không thể chối cãi là con người đang làm hành tinh nóng lên. Do vậy, nếu thế giới có hành động quyết liệt với việc giảm phát thải ngay lập tức, nhanh chóng và trên quy mô lớn, sự nóng lên có thể bị giới hạn ở mức 1,5°C vào cuối thế kỷ 21. Báo cáo của IPCC chỉ ra yêu cầu cơ bản để xác định lại cách chúng ta sử dụng và sản xuất năng lượng, sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ cũng như quản lý đất đai. Loại bỏ carbon cũng sẽ là cần thiết để  bù đắp cho lượng khí thải khó giảm hơn, như khí mê-tan.

 PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu. (Ảnh: TL)

PV: Thưa ông, theo báo cáo AR6, khu vực châu Á và Việt Nam sẽ phải chịu những tác động gì của biến đổi khí hậu?

PGS.TS Nguyễn Văn Thắng: Về nắng nóng, ngày càng có nhiều bằng chứng và độ tin cậy cao về các hiện tượng nhiệt độ khắc nghiệt thường xuyên hơn ở thập kỷ gần đây so với những thập kỷ trước ở hầu hết châu Á.

Theo đó, các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt rất có thể trở nên gay gắt hơn và/hoặc thường xuyên hơn, các đợt nóng bất thường xảy ra ngày càng nhiều. Ở Châu Á, nhiệt độ đã tăng lên trong thế kỷ trước, các đợt nắng nóng khắc nghiệt đã trở nên thường xuyên hơn ở hầu hết các khu vực và rất có thể sẽ tăng ở các khu vực của châu Á (trong đó có Việt Nam). Các ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm, như cao hơn 41°C sẽ xảy ra thường xuyên hơn nhiều so với những năm gần đây.

Bên cạnh đó, cường độ và tần suất các đợt lạnh, cũng như số ngày băng giá ở hầu hết các nước châu Á đã giảm kể từ đầu thế kỷ 20, ngoại trừ các khu vực trung tâm Á-Âu nơi có sự lạnh đi trong giai đoạn 1995-2014 có liên quan đến mất băng biển ở Biển Barents – Kara. Các đợt lạnh sẽ có tần suất giảm dần trong tất cả các kịch bản trong tương lai trên khắp các khu vực châu Á. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ xảy ra các đợt rét đậm, rét hại kéo dài.

Cùng với sự gia tăng của lượng mưa lớn ở hầu hết các khu vực châu Á, tần suất và cường độ lũ sông sẽ thay đổi. Do đó ở châu Á, lũ lụt sẽ tăng lên với các mức độ khác nhau trong điều kiện ấm lên của trái đất.

Sạt lở đất là hiểm họa tự nhiên thường xuyên xảy ra nhất ở các vùng đồi núi. Do sự gia tăng của lượng mưa lớn và lớp băng vĩnh cửu tan ra làm gia tăng sạt lở đất dự kiến sẽ xảy ra ở một số khu vực của châu Á trong tương lai.

Nguy hiểm hơn, số lượng các cơn bão mạnh sẽ gia tăng, chẳng hạn như số lượng bão đạt cấp 10 - 12  sẽ tăng. Số lượng xoáy thuận nhiệt đới trong tương lai có thể giảm nhưng cường độ gió tối đa sẽ mạnh hơn.

https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/nang-nong-se-gia-tang-khac-nghiet-hon-tai-chau-a-589776.html

Theo dangcongsan.vn

Tin Liên Quan

Cảnh báo tác động “tàn khốc” của biến đổi khí hậu và xung đột đối với người nghèo

Biến đổi khí hậu và xung đột có nguy cơ làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người, trong khi thực tế các vấn đề này có mối liên hệ chặt chẽ không thể tách rời, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS, lao và sốt rét cho biết.

Đức nỗ lực ổn định thị trường lao động

Thiếu hụt lao động lành nghề là một trong những rủi ro kinh tế lớn nhất đối với nước Đức, gây lo ngại cho các doanh nghiệp. Việc áp dụng luật nhập cư lao động lành nghề mới của Đức được giới chuyên gia đánh giá cơ bản là tích cực, song vẫn còn nhiều phức tạp và là yếu tố khiến quốc gia này tụt...

Việt Nam tham gia Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024

Ngày 17/9, tại Trung tâm triển lãm Crocus Expo ở thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ khai mạc Hội chợ quốc tế về thực phẩm đồ uống Worldfood Moscow 2024.

Thế giới tuần qua: Thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy

Hàng triệu người ở Đông Nam Á đang phải đối mặt với tình trạng ngập lụt, thiệt hại về người và của sau khi siêu bão Yagi, cơn bão được đánh giá là lớn nhất châu Á trong năm 2024 đổ bộ. Bên cạnh đó, những diễn biến liên quan đến dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận...

Ấn tượng Việt Nam tại một trong những hội chợ du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới

Ngày 17/9, Hội chợ du lịch quốc tế và Pháp IFTM Top Resa năm 2024 (Top Resa 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Quốc tế Versailles, Paris.

Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em

Theo nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay đang khiến cho "cuộc khủng hoảng suy dinh dưỡng trẻ em" trở nên tồi tệ hơn.