Nghề dệt vải của người Dao Họ

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay nghề dệt vải của người Dao Họ xã Cam Cọn huyện Bảo Yên vẫn được duy trì và phát triển. Trong các bản làng của người Dao Họ, những sản phẩm dệt thủ công truyền thống vẫn hiện hữu trong đời sống hàng ngày của bà con nơi đây.

Ngoài những lúc lên nương, xuống chợ phụ nữ dân tộc Dao Họ luôn chăm chỉ quay sợi, se tơ dệt vải, làm nên những bộ trang phục mang đậm nét đặc trưng của dân tộc mình. Với phụ nữ dân tộc Dao Họ, việc gìn giữ, phát triển nghề dệt vải truyền thống trở thành nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người dân.

Để tạo được một sản phẩm dệt thủ công hoàn chỉnh, nghề dệt vải của người Dao Họ phải trải qua nhiều công đoạn: sang sợi, luộc sợi, cuốn sợi, kéo sợi và đưa sợi vào khung để dệt thành những tấm vải thô. Khác với nhiều dân tộc khác là nhuộm vải xong mới cắt may thành quần áo, người Dao Họ lại cắt, khâu thành trang phục hoàn chỉnh mới đem nhuộm chàm. Mỗi công đoạn đều đỏi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ và chị em người phụ nữ Dao Họ sẽ là người đảm nhiệm nhiệm vụ này. Dệt vải được xem là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ. Cho nên phần lớn phụ nữ rất khéo tay trong việc kéo sợi, dệt vải. Ngay từ độ tuổi 15-16, các cô gái đã được các bà, các mẹ truyền dạy cho các công đoạn đếm sợi, chọn sợi, chọn vải, cách tìm cây lấy màu cũng như kỹ thuật pha màu, phối màu, cách dệt những sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp. Và khi đến độ tuổi trưởng thành, mỗi phụ nữ người Dao Họ ai cũng giỏi việc dệt may. Hiện nay người Dao Họ ở Cam Cọn vẫn thường xuyên làm trang phục để phục vụ nhu cầu của bản thân hoặc bán cho ai có nhu cầu đặt mua.  

Phụ nữ Dao Họ (Cam Cọn - Bảo Yên) bên khung dệt vải.

Từ những dụng cụ thô sơ, tự tạo, thông qua các thao tác thủ công cùng bàn tay khéo léo, sự chăm chỉ của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm dệt màu sắc đẹp mắt. Nếu như các dân tộc khác cắt may, dùng thước và máy may hỗ trợ, thì với người Dao Họ chỉ dùng cách thủ công là dùng những bộ quần áo cũ hoặc gang tay để áng chừng số đo. Trang phục sau khi được cắt khâu thủ công xong rồi mới mang đi nhuộm chàm, khác với quy trình nhuộm vải rồi mới may trang phục của các dân tộc khác. Cùng với khâu dệt vải, cắt may, người Dao Họ rất coi trọng khâu nhuộm vải. Trước đây bà con thường lên rừng để tìm cây chàm nhưng giờ đây các gia đình đã tự trồng trong vườn để tiện cho việc nhuộm trang phục. Khâu nhuộm vải cũng cầu kỳ không kém, đòi hỏi thời gian và trải qua nhiều công đoạn. Sau khi lấy cây chàm về, cho vào ngâm với nước vôi và nước tro bếp khoảng 1 tháng mới dùng được. Theo kinh nghiệm của mỗi người khi nhuộm sẽ thử màu, nếu màu dính ra tay và lên màu như ý muốn thì lúc đó mới có thể cho vải vào nhuộm. Khâu nhuộm cũng phải mất nhiều lần mới đạt màu mong muốn. Việc dệt vải thường được thực hiện vào cuối ngày hay những lúc nông nhàn. Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi dệt vải đã rất quen thuộc, gần gũi trong đời sống của người Dao Họ.

Có thể nói, nghề dệt vải là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người Dao Họ. Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thủ công truyền thống của người Dao Họ xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên không chỉ góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình mà quan trọng hơn chính là gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người Dao Họ./.

Minh Phượng

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.