Lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Giáy

Hướng là cô gái dân tộc Giáy đến từ Sa Pa, đó là ý nghĩa của tên kênh youtube “Hướng Giáy Sa Pa” mà cô sinh viên năm cuối Khoa Quốc tế học, Đại học Hà Nội lập nên nhằm lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc Giáy, đồng thời giới thiệu, quảng bá cảnh sắc thiên nhiên, đặc sản địa phương tới du khách mọi miền.

 

Ngọc Hướng - chủ kênh Youtube “Hướng Giáy Sa Pa”

Vũ Thị Ngọc Hướng sinh năm 1999, tại thôn Tả Van Giáy 2, xã Tả Van, thị xã Sa Pa. Từ nhỏ, Hướng đã là cô bé thông minh, chăm chỉ và năng động, với ước mơ được học cao, học xa để có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về thế giới bên ngoài, đồng thời tìm cơ hội phát triển bản thân. Đặc biệt, Hướng luôn đau đáu trước những giá trị văn hóa dân tộc Giáy đang dần mai một, nên luôn mong muốn mang kiến thức học được áp dụng vào thực tế, góp phần lưu giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc.

Hướng chia sẻ: Từ nhỏ, em đã được bà ngoại kể những truyện cổ về nguồn gốc, phong tục, tập quán, những nét đẹp văn hóa của người Giáy. Càng đi sâu tìm hiểu, em càng thấy văn hóa dân tộc mình rất đa dạng, độc đáo, nhưng ngày nay, nhiều bạn trẻ người Giáy không hiểu và không quan tâm nhiều đến điều đó, cũng không biết nấu các món ăn truyền thống của dân tộc mình. Rồi có vài lần dẫn tour đi Sa Pa, em thấy nhiều hướng dẫn viên bản địa chưa truyền tải được những giá trị văn hóa tốt đẹp và cảnh sắc thiên nhiên nơi đây cho du khách. Những điều đó khiến em rất trăn trở, nên cuối năm thứ hai đại học, em nảy ra ý tưởng thu thập thông tin và xây dựng kênh youtube “Hướng Giáy Sa Pa”.

Ban đầu, Hướng gặp nhiều khó khăn trong việc làm các video, bởi em chưa từng được học hay đào tạo về lĩnh vực này, cũng không có đủ máy móc, thiết bị hỗ trợ. Hướng cũng từng thử lập một đội bạn trẻ người Giáy để cùng nhau thực hiện các video, dịch truyện cổ, nhưng mỗi người ở một nơi và có nhiều công việc khác nhau, nên rất khó cùng thực hiện. Khắc phục dần khó khăn, Hướng học hỏi công nghệ, tìm tòi, nên ngày càng có thêm kiến thức xã hội để có những lời dẫn hay, cuốn hút.

Hướng lựa chọn ẩm thực để làm những video đầu tiên, vì ẩm thực người Giáy rất hấp dẫn, em lại có “chỗ dựa” là bà ngoại có thể nấu các món truyền thống rất ngon. Sau này, khi tham gia nhóm cộng đồng người Giáy trên facebook, Hướng được các bạn động viên đọc một số truyện cổ và hát bài ca cổ của người Giáy. Em còn về Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, nơi từng theo học, rồi lên Thư viện Quốc gia tìm, tham khảo tài liệu để các video đưa lên bảo đảm chân thực, chính xác.

Nhiều nét đẹp văn hóa, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp ở Sa Pa được Hướng giới thiệu qua kênh youtube “Hướng Giáy Sa Pa”.

Ủng hộ và tự hào về những điều cháu gái đã và đang làm vì người Giáy, bà Sần Thị Hớ, bà ngoại của Hướng cho biết: Những người già như chúng tôi bây giờ lúc nhớ, lúc quên, chỉ sợ sau này con cháu muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc mình lại không biết hỏi ai. Bây giờ có cháu Hướng đi học đại học, lại chịu khó tìm hiểu văn hóa dân tộc để giới thiệu, lưu truyền bằng máy móc hiện đại… tôi rất vui, tự hào và ủng hộ cháu. Mong sao Hướng sẽ có nhiều bạn bè và con cháu người Giáy giúp sức để làm tốt hơn nữa.

Tính đến giữa tháng 5/2021, kênh youtube “Hướng Giáy Sa Pa” đã thu hút hơn 42 nghìn lượt xem, với tổng số 14 video nằm trong 3 danh sách phát là: Hướng Giáy Sa Pa (với những video về trải nghiệm ẩm thực, văn hóa, cuộc sống hằng ngày của chính Hướng và người Giáy quê em như làm bánh Trung thu, bánh chưng đen, bắt cá và hái táo mèo); truyện cổ dân tộc Giáy (những video kể truyện cổ của người Giáy như E Toi, Quê hương người Giáy…); hát tiếng Giáy (với các video âm nhạc do Hướng và những người Giáy hát như Vươn dú càu - hát về bạn cũ, Vươn sroong náu - hát về hai chúng mình…). Sau mỗi video đưa lên, Hướng nhận được nhiều phản hồi tích cực cùng những lời động viên, khuyến khích của bạn bè nhiều nơi.

Là người đã đồng hành, ủng hộ Hướng từ những ngày đầu tiên, anh Trần Việt Anh ở Hà Nội cho biết: Hướng rất tâm huyết giữ gìn bản sắc dân tộc, đó là điều đáng quý, đáng trân trọng trong thời buổi hiện nay. Tôi tin rằng kênh của Hướng sẽ có nhiều người xem hơn, không chỉ người Giáy, mà còn các dân tộc khác nữa.

Ngoài việc thực hiện các video trên kênh youtube “Hướng Giáy Sa Pa” và liên kết với bài viết trên blog sapalocal.com để gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc Giáy, giới thiệu, quảng bá du lịch Sa Pa, Hướng còn hy vọng có thể truyền cảm hứng tới nhiều bạn trẻ người dân tộc Giáy ở nhiều nơi. Những bạn trẻ với nhiều ý tưởng sáng tạo như Hướng sẽ góp phần để gìn giữ, bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa dân tộc các vùng miền.

http://baolaocai.vn/bai-viet/213766-luu-giu-net-dep-van-hoa-dan-toc-giay

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn