Ðể báo chí Lào Cai bắt kịp xu thế thời đại

Trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghệ, các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo Lào Cai không ngừng đổi mới để thích ứng.
Phóng viên tác nghiệp tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành.    Ảnh: Hoàng Thương

Nhà báo trong xu thế của thời đại 4.0

Một ngày nắng nóng, tôi nhận được cuộc điện thoại của nhà báo trẻ Hà Mạnh Dũng, phóng viên Phòng Kinh tế - Xã hội, Báo Lào Cai. Khi nghe anh chia sẻ ý tưởng muốn đi viết và ghi lại những hình ảnh đẹp của mùa nước đổ trên vùng cao, chúng tôi chọn điểm đến là xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát. Mặc dù chúng tôi đã chọn được vị trí cao để chụp ảnh, nhưng nếu dùng máy ảnh thông thường khó có thể chụp được những bức ảnh toàn cảnh đẹp, vì bị cây cối che khuất tầm nhìn và khoảng cách xa tới vài km.

Tuy nhiên, lần này nhà báo Hà Mạnh Dũng khoe với tôi “vũ khí” mới của anh là chiếc flycam. Động tác của anh rất nhanh và thành thục khi lắp cánh “máy bay” và sử dụng điện thoại bật mạng 4G kết nối flycam điều khiển “con ong” bay lên cao dần và mất hút vào không gian. Nhờ có thiết bị này, trong chuyến tác nghiệp ấy, anh đã ghi lại những đoạn video và hình ảnh ấn tượng toàn cảnh quần thể ruộng bậc thang Sàng Ma Sáo.

Cũng chỉ dùng điện thoại Smartphone kết nối mạng internet, dù ở trên đỉnh núi, chúng tôi vẫn có thể sử dụng các phần mềm soạn tin bài, dựng video clip ngắn để gửi về báo điện tử, đăng tải cả trên YouTube và Facebook.

“Làm báo thời đại 4.0 phải đầu tư công nghệ hiện đại để tác nghiệp nhanh và hiệu quả, rút ngắn khoảng cách không gian và thời gian, đồng thời nâng cao chất lượng tác phẩm. Giờ đây, nếu phóng viên vẫn làm báo theo cách truyền thống thì không thể theo kịp được sự phát triển của xã hội và dễ bị tụt hậu”, Hà Mạnh Dũng chia sẻ.

Câu chuyện về đổi mới phương pháp làm báo trong thời đại cách mạng công nghệ và bùng nổ thông tin như hiện nay cũng là chủ đề được nhiều nhà báo quan tâm. Là phóng viên có gần 7 năm trong nghề, nhà báo An Kiên, phóng viên Cơ quan thường trú khu vực Tây Bắc của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tại Lào Cai đã tạo được dấu ấn với những tác phẩm thể hiện góc nhìn riêng. Một mình được giao phụ trách thông tin, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh, công việc của anh rất bận rộn và áp lực. Vậy làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu thông tin của tòa soạn về số lượng, chất lượng và thông tin không bị chậm so với các báo khác?

Giải đáp thắc mắc này, nhà báo An Kiên nói: Hiện nay, phóng viên muốn tác nghiệp tốt cần có nhiều công cụ trong tay, từ máy ảnh, camera, máy tính, máy ghi âm đến điện thoại kết nối internet... Trong bối cảnh bùng nổ thông tin, nhà báo cần năng động, sáng tạo, biết khai thác mạng xã hội, tăng cường kết nối với các đơn vị, đồng nghiệp, công chúng để thu thập thông tin. Tuy nhiên, giá trị cốt lõi vẫn là tính trung thực và khách quan. Giữa “ma trận” thông tin đa chiều, nếu nhà báo tác nghiệp nhanh nhưng đưa tin sai lệch, thiếu kiểm chứng hoặc làm báo vì động cơ cá nhân thì sẽ để lại những hệ lụy khôn lường.

Chi hội Nhà báo Báo Lào Cai tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên.                     (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Bồi dưỡng nhân lực và đẩy nhanh lộ trình số hóa

Những năm gần đây, trước sự thay đổi nhanh chóng của đời sống xã hội, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh cũng không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai, trong suốt 58 năm qua, Báo Lào Cai luôn làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình. Đặc biệt, cùng với các ấn phẩm: Báo Lào Cai thường kỳ, Báo Lào Cai cuối tuần, Báo Lào Cai dành cho đồng bào dân tộc, ngày 28/1/2016, Báo Lào Cai điện tử ra đời trên cơ sở nâng cấp từ trang thông tin điện tử, mở ra một trang mới cho sự phát triển của tờ báo.

Nhà báo Phạm Vũ Sơn, Trưởng Phòng Điện tử, Báo Lào Cai cho biết: Minh chứng rõ nhất cho thành công trong chuyển đổi số của Báo Lào Cai là Dự án xây dựng tòa soạn hội tụ - năm 2021. Sau gần 1 năm triển khai, đến nay Báo Lào Cai đã xây dựng được mô hình tòa soạn hội tụ, qua đó tích hợp được các khâu trong quy trình xuất bản báo điện tử trên phần mềm có ứng dụng số hóa. Đặc biệt, dự án đã trang bị được cơ sở hạ tầng như hệ thống máy quay, máy dựng hình, phòng thu… tương đối hiện đại. Cùng với đó, nâng cấp phần mềm, giao diện của Báo Lào Cai điện tử đủ đáp ứng yêu cầu xuất bản những tác phẩm báo chí đa phương tiện.

Theo nhà báo Ngô Văn Hinh, Tổng Biên tập Báo Lào Cai, Báo Lào Cai đang nỗ lực chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang tòa soạn điện tử và phấn đấu từ nay đến năm 2025 sẽ xuất bản báo in hằng ngày. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Vì vậy, trong thời gian tới, cơ quan sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí; tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ hiện đại, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; khai thác tối đa ưu thế của mạng xã hội để thông tin kịp thời, rộng rãi đến bạn đọc.

Cùng với Báo Lào Cai, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai là cơ quan truyền thông chủ lực của tỉnh cũng có sự đổi thay mạnh mẽ theo xu hướng số hóa. Ngày 7/5/2020, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực hoạt động của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Ngoài kênh truyền hình số vệ tinh, từ 1/1/2021, Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai chuyển hoàn toàn sang phát sóng truyền hình số mặt đất. Đặc biệt, bước sang năm 2021, chương trình thời sự buổi tối theo format mới lên sóng được khán giả đón nhận tích cực. Đài đã thành lập Hội đồng biên tập, thực hiện cơ chế giao ban đầu ngày để quyết định nội dung cho các bản tin thời sự, các chuyên đề, chuyên mục. Đây được coi là “bộ não” trong tổ chức sản xuất chương trình của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

Nhà báo Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai nhấn mạnh: Trong năm 2021, đơn vị tập trung đẩy nhanh lộ trình số hóa. Từ tháng 3 đã đưa hệ thống MAM vào vận hành, hoàn thiện quy trình sản xuất theo giao thức hiện đại và tập trung phát triển OTT. Theo đó, các chương trình phát thanh, truyền hình được truyền tải qua môi trường mạng (Web, App, Fanpage, YouTube...) giúp khán giả tiếp cận với các chương trình của đài thông qua tất cả các thiết bị cố định và di động có kết nối internet. Cùng với sự thay đổi về cơ cấu tổ chức, bộ máy và phương thức sản xuất thì đây là nền tảng mang tính quyết định để thực hiện thành công mô hình truyền thông đa phương tiện...  

Theo Tuấn Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).