Giữ cánh rừng thêm xanh

Ở thôn nào của xã Dền Sáng (Bát Xát) cũng có khu rừng cấm, rừng thiêng nằm ở địa thế đẹp nhất thôn, nơi hội tụ đầy đủ linh khí trời đất để thờ cúng thần rừng với những quy định “bất khả xâm phạm”. Tín ngưỡng thờ thần rừng của dân tộc Dao đỏ như một sợi dây tâm linh truyền qua nhiều thế hệ và trở thành nét đẹp văn hóa.
Trong lễ cúng rừng, người dân thôn Dền Sáng bầu Tổ bảo vệ rừng của thôn.

Lệ làng đã định, vào ngày 1/1 hoặc 2/2 âm lịch hằng năm, người Dao đỏ thôn Dền Sáng, xã Dền Sáng lại tổ chức nghi lễ thiêng ở khu rừng cấm của thôn nhằm cầu xin thần rừng ban may mắn và bình an. Đây cũng là dịp giáo dục người dân nâng cao ý thức bảo vệ những cánh rừng xanh.

Để chuẩn bị cho lễ cúng rừng, trưởng thôn phân công việc đến từng hộ. Ngoài lễ vật chính là lợn do gia đình chủ lễ dâng thì tùy điều kiện, từng hộ trong thôn tự nguyện mang lễ vật như gà, rượu, giấy tiền đến góp. Theo lệ, luân phiên mỗi năm sẽ có 1 hộ đứng ra làm chủ lễ và sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc chuẩn bị lễ vật dâng cúng thần rừng. Chủ lễ chuẩn bị 2 con lợn đen giống địa phương từ 5 kg trở lên để dâng lễ cúng.

Trong ngày diễn ra lễ cúng rừng, các hộ trong thôn dậy từ sớm dọn nhà cửa, sửa soạn ban thờ tổ tiên. Mỗi hộ cử đại diện là nam giới ra địa điểm cúng tế để dọn khu vực quanh ban thờ gia tiên, ban thờ thần rừng, mang theo lễ vật như hương, rượu, gạo và giấy bản.

Người dân thôn Dền Sáng mang lễ vật đến khu rừng để cúng thần linh.

Nghi lễ cúng rừng có 2 thầy cúng tham gia, 1 thầy làm lễ cúng gia tiên của các gia đình ở trong lán thờ, 1 thầy làm lễ tế ngoài trời cúng thần linh, trời đất. Các thầy cúng phải là người có uy tín, am hiểu các luật tục và được người dân trong thôn lựa chọn. Đầu tiên là lễ dâng hương, dâng lễ vật và đọc các bài cúng mời thần rừng, gia tiên của các gia đình về dự, chứng giám lòng thành của người dân. Theo quan niệm, lễ cúng được thực hiện hằng năm nhằm cầu thần rừng phù hộ, che chở cho cả thôn một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhà nhà bình an, mạnh khỏe, vật nuôi trong nhà lớn nhanh...

Tại lễ cúng rừng sẽ diễn ra cuộc họp thôn thảo luận những vấn đề liên quan đến thôn và những quy định bảo vệ, quản lý rừng, đồng thời bầu chọn lại các thành viên tham gia tổ bảo vệ rừng của thôn. Người Dao đỏ thôn Dền Sáng đưa ra các quy định cho cả cộng đồng bảo vệ khu rừng cấm rõ ràng, như không được chặt cây, không đốt lửa, không săn bắn trong khu rừng cấm, không lấy củi, chăn thả gia súc trong rừng... Mọi hành vi xâm phạm đến rừng đều phải nhận những hình phạt theo quy định.

Trong buổi lễ, những người cao tuổi trong thôn sẽ truyền đạt cho thế hệ kế cận trách nhiệm gìn giữ, phát triển rừng. Nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt, những dược liệu quý dùng chữa bệnh có từ lâu đời của người Dao sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào trách nhiệm giữ rừng của nhiều thế hệ.

Ông Lý A San, Phó Chủ tịch UBND xã Dền Sáng cho biết: Tục thờ thần rừng là nghi lễ truyền thống có từ cổ xưa, ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của người Dao đỏ địa phương. Lễ cúng tạo nên mối quan hệ gắn kết trong cộng đồng, nâng cao ý thức gìn giữ, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng cho hôm nay và mai sau.

http://baolaocai.vn/bai-viet/210524-giu-canh-rung-them-xanh

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.