Mãi đắm say điệu múa sênh tiền

Xã Bản Phố, huyện Bắc Hà có gần 100% dân số là người Mông. Hầu hết các thôn, bản ở đây có câu lạc bộ văn nghệ với nhiều người biết múa gậy sênh tiền. Nhờ đó, nét đẹp văn hóa truyền thống này trên “cao nguyên trắng” luôn được bảo tồn, giữ gìn.

Múa gậy sênh tiền trong lễ hội Gầu Tào của người Mông. 

Gia đình ông Ly Seo Hồ ở thôn Bản Phố 2 đã có 5 thế hệ sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bản Phố. Dù đã 78 tuổi nhưng sự minh mẫn, nhanh nhẹn với những kiến thức uyên thâm về văn hóa Mông giúp ông trở thành “kho tư liệu sống” về dân tộc mình.

Nói về ý nghĩa sâu xa của múa gậy sênh tiền, ông Ly Seo Hồ cho biết: Trước đây, trong đấu tranh chống kẻ thù, bảo vệ thôn bản, gậy sênh tiền là 1 trong bộ 18 binh khí như gậy sênh tiền, khèn, chùy, đao, thương, kiếm… Điệu múa sênh tiền ẩn chứa những thế võ cổ truyền của người Mông. Đó là những động tác xoay người, đá chân mà thoạt nhìn, người xem có thể nghĩ đơn giản là múa. Vì thế xưa kia, những người biết múa gậy sênh tiền đều là những người biết võ và có thể trở thành chiến binh khi cần thiết. Trong một đoàn diễu binh, những người múa gậy sênh tiền luôn dẫn đầu, sau đó là đội múa khèn và lần lượt là các đội binh khí khác.

Cũng theo ông Ly Seo Hồ, múa gậy sênh tiền của người Mông về sau thường được dùng trong các lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng. Đây là điệu múa được biểu diễn trước khi bắt đầu các hoạt động khác nên được coi như màn khai hội. Điệu múa dành cho cả nam và nữ, không phân biệt lứa tuổi, nhưng thường thì thanh niên múa nhiều hơn. Điệu múa gắn liền với nhạc cụ, đó chính là cây gậy sênh tiền độc đáo.

Gậy sênh tiền là loại nhạc cụ được làm bằng một đoạn trúc hoặc tre, có đường kính khoảng 1,5 cm đến 2 cm; chiều dài gậy từ 1 m đến 1,2 m tùy người sử dụng và được chia làm 4 phần, trong đó 3 phần được đục lỗ để xâu đồng xu vào giữa nhằm tạo ra âm thanh, phần còn lại nằm ở khúc thứ 2, không đục lỗ để người múa cầm nắm khi biểu diễn. Trong mỗi phần đục lỗ lại được chia làm 3 - 4 dãy đồng xu, mỗi dãy có 2 - 3 đồng xu hợp lại. Ở hai đầu gậy được buộc một chùm dây nhiều màu sắc. Hai chùm dây này chính là điểm nhấn để tạo sự mềm mại và uyển chuyển cho người múa. Thoạt nhìn, có thể ai cũng nghĩ cây gậy rất đơn giản, nhưng để làm ra nó là cả một quá trình mà người Mông đã phải rất khéo léo, cẩn thận, tỉ mỉ và gửi gắm vào đó biết bao “hồn cốt” dân tộc.

Múa sênh tiền có nhiều bài, nhưng các bài đều từ 10 nhịp cơ bản mà phát triển ra. Khi múa, người múa cầm gậy sênh tiền vừa múa, vừa di chuyển với các động tác khéo léo, để cây gậy chạm nhẹ vào cơ thể ở các điểm như tay, chân, vai, bàn chân khiến các đồng xu tạo ra những âm thanh vui nhộn mà kỳ bí, góp phần cho các lễ hội thêm tưng bừng.

“Rất nhiều người Mông ở Bản Phố biết múa gậy sênh tiền và nhiều người còn truyền dạy cho con, cháu nên bây giờ thế hệ trẻ, đặc biệt là học sinh ở Bản Phố nói riêng và Bắc Hà nói chung thường biết múa gậy sênh tiền”, ông Ly Seo Hồ khẳng định.

Các thành viên đội múa gậy sênh tiền của CLB Khèn Mông Bắc Hà tập luyện để đi biểu diễn ở nhiều nơi.

Em Vù Thị Trà, 17 tuổi, dân tộc Mông ở thôn Làng Mới, xã Bản Phố cho biết: Em được bố dạy múa gậy sênh tiền từ khi học lớp 6. Lên cấp 3, em tham gia đội múa sênh tiền trong Câu lạc bộ (CLB) Khèn Mông Bắc Hà và học được nhiều bài múa hơn. 

CLB Khèn Mông Bắc Hà gồm đội múa khèn và đội múa gậy sênh tiền với hơn 30 thành viên. Hiện tại, các đội văn nghệ trong CLB thường xuyên được mời đi biểu diễn ở các sự kiện của địa phương, như ở chợ đêm Bắc Hà (vào tối thứ 7 hằng tuần) hoặc biểu diễn ở các nhà hàng, khách sạn, homestay phục vụ khách du lịch.

Không chỉ ở Bắc Hà, nhiều người Mông tâm huyết với việc lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc ở các địa phương khác cũng đã và đang truyền lửa cho thế hệ trẻ biết yêu quý, tự hào về văn hóa dân tộc.

Thầy giáo Lù Seo Sềnh hướng dẫn học sinh múa gậy sênh tiền.

Anh Lù Seo Sềnh, giáo viên Trường Tiểu học Pha Long (Mường Khương) là người đã truyền tình yêu với cây gậy và điệu múa sênh tiền cho học sinh trong trường từ năm 2012 - khi anh bắt đầu nhận công tác tại đây. Anh Sềnh cho biết: Tôi được bà nội truyền dạy múa gậy sênh tiền từ khi 8 tuổi và muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ, vừa tạo cơ hội để các em hiểu và giữ gìn văn hóa dân tộc, vừa giúp các em bớt nguy cơ vướng vào các tệ nạn xã hội.

Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Lù Seo Sềnh, hầu hết học sinh của Trường Tiểu học Pha Long đã biết điệu cơ bản của múa gậy sênh tiền; hơn 200 em trong CLB Múa gậy sênh tiền của trường đã thuần thục nhiều điệu múa, trở thành những hạt nhân văn nghệ cho trường và địa phương. “Em sẽ cố gắng học thêm nhiều bài múa để sau này dạy lại cho các em nhỏ khác”, Lù Hoài An, học sinh Trường Tiểu học Pha Long (Mường Khương) bộc bạch.

Cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các địa phương, đặc biệt là của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, người Mông trên địa bàn tỉnh luôn có ý thức gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có múa gậy sênh tiền, để nhịp gậy tươi vui còn lưu mãi trong những lễ hội mùa xuân.

http://baolaocai.vn/bai-viet/12049-mai-dam-say-dieu-mua-senh-tien

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.