Giấc mơ chinh phục thổ cẩm

Không biết bao mùa đào nở, bao mùa mây bay, nhưng tình yêu với Sa Pa đã níu chân chàng trai đất võ miền nắng gió phương Nam nên duyên cùng người con gái Tây Bắc gắn bó miệt mài với những vuông vải, với những hoa văn, với sắc màu thổ cẩm của vùng cao, tạo dựng thương hiệu thổ cẩm nổi tiếng nơi vùng cao Tây Bắc. Khiêm nhường và lặng lẽ, nhánh “lan rừng” cứ thế khoe sắc dâng đời…

Chị Cung Thanh Mai hướng dẫn bà con Xa Phó thêu mẫu thổ cẩm mới.

Bản Nậm Kéng một ngày cuối đông giá rét, nhiệt độ dưới 10 độ C, bên đống lửa sưởi ấm, chị Cung Thanh Mai, người sáng lập thương hiệu thổ cẩm Lan Rừng và chồng chị - anh Võ Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Lan Rừng tỉ mỉ hướng dẫn từng chị em dân tộc Xa Phó làm theo mẫu sản phẩm mới trên chất liệu thổ cẩm truyền thống của người Xa Phó. Vừa làm công việc của mình, chị Mai vừa trò chuyện: Thổ cẩm của dân tộc Xa Phó rất đặc biệt, ngoài hoa văn thêu bằng chỉ màu còn đính hạt cườm rất độc đáo. Nhiều năm rồi, bà con đã không còn mặn mà với việc trồng cườm nữa nên năm nay chúng tôi đã hỗ trợ bà con khôi phục trồng lại để bảo tồn đúng bản sắc văn hóa truyền thống của họ…

Sinh ra và lớn lên dưới chân núi Hoàng Liên, dường như với chị Mai, việc đi đến tận bản xa như thế này đã quá quen thuộc. Giờ đây, mặc dù đã trở thành doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế, kinh doanh các sản phẩm từ thổ cẩm ở Sa Pa, nhưng với chị Mai, được về với bà con luôn là niềm vui và là động lực thôi thúc chị ngày càng đam mê, nhiệt huyết với thổ cẩm. Làm nghề cắt may quần áo ở phố núi sương mù, yêu  thích và đam mê thổ cẩm như máu thịt đã khiến chị nhiều đêm thao thức. Có những đêm, trong giấc mơ, chị thấy mình đang ngồi vẽ mẫu… thế rồi tỉnh giấc, chị lại tiếp tục ngồi vẽ. Không trải qua bất cứ trường lớp mỹ thuật nào, chỉ bằng cảm nhận theo cách riêng của mình, chị tự tay sáng tạo. Dường như ngay từ nhỏ, gen trội nghệ thuật con nhà nòi được “thẩm thấu” từ ông nội là họa sỹ nổi tiếng học ở Pháp - cái nôi đào tạo về kiến trúc, mỹ thuật, thời trang, chị Cung Thanh Mai đã ước mơ trở thành nhà thiết kế thời trang. Phần nào đam mê truyền lửa thế hệ ấy đã cho chị tay nghề sáng tạo hơn khi thử sức ở lĩnh vực thiết kế sản phẩm từ chất liệu thổ cẩm…

Tròn hai mươi năm bén duyên với thổ cẩm, từ một cô thợ may ở phố núi Sa Pa, giờ đây chị Mai đã xây dựng được thương hiệu thổ cẩm Lan Rừng có tiếng mang tầm quốc gia. Chị vẫn nhớ thời thiếu nữ, chị đã từng đi hái hạt cườm về xâu vòng đeo tay, khâu trang trí lên áo và làm thành tranh hạt cườm. Nhưng hồi ấy làm theo kiểu trẻ con với những hình mẫu ngô nghê chưa có sự sáng tạo chuyên nghiệp như bây giờ. Thời gian đầu làm thổ cẩm, chị mày mò cắt vải, vẽ mẫu, lặn lội xuống từng bản để lấy mẫu hoa văn thổ cẩm, thuê bà con thêu. Dần dần, chị làm những sản phẩm quà tặng lưu niệm thổ cẩm bán ra thị trường phục vụ khách du lịch đến Sa Pa.

Cũng bởi làm công việc bằng niềm yêu thích, đam mê, không qua trường lớp đào tạo nên chị Mai phải dò dẫm từng bước, đặt nền móng cho công trình ước mơ chinh phục thổ cẩm của mình. Ban đầu chị thiết kế những sản phẩm đơn giản, từ chiếc móc treo chìa khóa, lót cốc, ví cầm tay, túi xách... dần dần chị thử sức ở những mặt hàng cao cấp hơn như vỏ gối, khăn, váy áo, chăn, ga và tranh thổ cẩm. Lối thiết kế riêng không giống bất cứ đâu, ở đó là trái tim nhiệt huyết của người yêu nghệ thuật, nên các sản phẩm thổ cẩm Lan Rừng đã chiếm trọn cảm tình của khách. Để có những sản phẩm thân thiện với môi trường, chị luôn quan tâm từ khâu giúp bà con khôi phục trồng lanh, trồng cây hạt cườm, đến dệt lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, thiết kế tạo hoa văn thành chất liệu thổ cẩm. Trong mỗi sản phẩm của chị đều thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại với truyền thống, đề cao tính ứng dụng, tạo nên những sản phẩm nội thất, trang trí và trang phục đặc sắc mang hơi thở núi rừng Tây Bắc.

Cũng có những lúc, chị Mai từng nghĩ sẽ chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực khác phù hợp với lợi thế du lịch Sa Pa. Thế nhưng, mỗi lần nghe được cuộc điện thoại từ dưới bản của bà con gọi lên cho mình “Cô Mai ơi, có mẫu gì mới cho mọi người làm không”, mặc dù không phải lo cơm áo gạo tiền, nhưng vì tình cảm gắn bó bao năm với bà con, chị lại tiếp tục xuống bản, vẽ mẫu và thiết kế sản phẩm mới cho bà con làm, có muốn bỏ nghề cũng không được. Chị bảo: Chính vì điều này mà mình không muốn dừng lại đam mê chinh phục thổ cẩm của mình và ông xã. Hơn nữa, cứ mỗi lần sáng tạo ra một mẫu mới, mình mới hiểu, càng sáng tạo, thổ cẩm càng cho mình niềm đam mê nhiều hơn, bởi những thiết kế từ thổ cẩm không có giới hạn, điểm dừng… Càng làm càng cuốn hút và say mê hơn.

Bà con dân tộc Dao đỏ thêu thổ cẩm cung ứng cho Công ty TNHH Lan Rừng.

“Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, anh Tài, chị Mai đã gắn bó và cùng nhau thổi hồn thổ cẩm vào những sản phẩm, biến bao giấc mơ thoát nghèo của phụ nữ vùng cao thành hiện thực. Hàng trăm phụ nữ có việc làm và thu nhập ổn định từ thêu thổ cẩm cung cấp nguyên liệu thiết kế sản phẩm cho thổ cẩm Lan Rừng. Anh Tài, chị Mai luôn tâm đầu ý hợp, kề vai sát cánh và đôi lúc bổ khuyết cho nhau trong công việc. Anh chị luôn tâm niệm một điều rằng, phải làm sao nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa thổ cẩm cho người dân địa phương cũng như người tiêu dùng, giúp họ hiểu về thổ cẩm và yêu thổ cẩm nhiều hơn. “Đó cũng là giấc mơ chinh phục thổ cẩm qua nhiều năm gắn bó với nghề sáng tạo thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ, là tâm huyết và linh hồn của thương hiệu thổ cẩm Lan Rừng” - anh Tài tâm sự.

Hữu xạ tự nhiên hương, giờ đây sản phẩm thổ cẩm Lan Rừng không chỉ bó hẹp trong những gian hàng ở Sa Pa, ở khu trưng bày Bảo tàng tỉnh Lào Cai mà đã theo chân du khách về muôn ngả, theo chân cả những quan khách quốc tế đến nhiều quốc gia trên thế giới. Sở dĩ sản phẩm của Lan Rừng được các đại sứ quán “chọn mặt gửi vàng” mua về làm quà tặng bởi thiết kế thẩm mỹ hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Tài tâm sự: Chúng tôi luôn trân trọng bản sắc văn hóa của các dân tộc, hợp tác chặt chẽ với bà con để xây dựng vùng nguyên liệu, hướng dẫn kỹ thuật nhuộm vải, tạo các thiết kế hoa văn, họa tiết cách tân, độc đáo trên từng sản phẩm. Từ thổ cẩm của bà con các dân tộc Xa Phó, Mông, Dao, Tày, chúng tôi luôn nỗ lực tạo ra những sản phẩm mang phong cách hiện đại, có tính ứng dụng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào vùng cao Sa Pa.

Chất lượng làm nên thương hiệu. Vốn liếng bao năm gây dựng thổ cẩm Lan Rừng, giờ đây, anh Tài, chị Mai không còn quá bận tâm nghĩ đến mục tiêu về kinh tế khi doanh thu mỗi năm hơn 4 tỷ đồng, đưa ra thị trường hàng trăm mã sản phẩm thiết kế từ thổ cẩm. Điều mà Lan Rừng tâm huyết làm sao giữ vững thương hiệu, ngày càng đẩy mạnh các sản phẩm ứng dụng từ chất liệu thổ cẩm. Chính vì điều này, anh chị phải luôn tự làm mới mình, liên tục cho ra những mẫu sản phẩm mới, nhất là dòng sản phẩm cao cấp decor (trang trí) không gian nhà hàng, khách sạn. Ấp ủ trong năm mới này, lấy cảm hứng sáng tạo từ những hạt cườm trong ký ức tuổi thơ của chị Mai, thổ cẩm Lan Rừng sẽ thiết kế thêm một dòng sản phẩm, đó là tranh thêu hạt cườm của dân tộc Xa Phó. Anh Tài còn tiết lộ dự định: Thổ cẩm Lan Rừng sẽ thiết kế một bức tranh bản đồ Lào Cai khổng lồ to nhất Việt Nam từ chất liệu hạt cườm.

Trước khi chia tay chúng tôi, anh Võ Văn Tài tươi cười: Mong muốn của thổ cẩm Lan Rừng gửi vào mỗi sản phẩm, không chỉ du khách Việt Nam mà ngay cả những người bạn quốc tế sau khi trở về từ Việt Nam có thể giữ lại trong nhà mình một nét văn hóa đặc trưng của dải đất hình chữ S, để mỗi lần nhìn thấy lại nhớ nụ cười e ấp sau tay áo của một cô gái tuổi mười tám đôi mươi hoặc những cặp má hây hây đỏ của đám trẻ con ở một vùng núi mà họ đã từng ghé chân qua…

http://baolaocai.vn/bai-viet/12029-giac-mo-chinh-phuc-tho-cam

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Gặp nghệ nhân chế tác tính tẩu

Cây đàn tính (tính tẩu) là một phần văn hóa sinh động, đậm đà bản sắc của cộng đồng người Tày các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Tại Lào Cai, những thay đổi trong đời sống hiện đại, sự chuyển dịch trong lòng văn hóa truyền thống khiến ngày càng ít người biết, lưu giữ nghề làm đàn tính hoặc làm...

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.