Tết tháng Bảy của người Tày

Hằng năm, người Tày ở Lào Cai ăn Tết tháng Bảy “Xíp xí” cổ truyền, đồng thời cũng là thời điểm kết thúc một mùa vụ. Tết này tổ chức vào 2 ngày 14, 15 tháng Bảy (âm lịch), nhưng ngày chính là 14.
 
Tết tháng Bảy của người Tày ngoài ý nghĩa thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn, còn là dịp để gia đình, dòng họ sum họp, con cái thể hiện lòng biết ơn, tình cảm và lòng hiếu thuận đối với cha mẹ. Vào ngày này, cho dù bận đến mấy, hay làm ăn nơi xa, những người thân đều tìm về để sum họp với gia đình, vui cùng bản làng.
 

 Tết tháng Bảy của người Tày.

Từ ngày 10 - 13 tháng Bảy (âm lịch), các gia đình đều chuẩn bị đầy đủ gà, vịt, xôi, các đồ lễ để cúng tổ tiên và các nguyên liệu: Lá chuối rừng, gạo nếp, thịt gà… để làm món bánh pẻng cuổi. Bánh pẻng cuổi không thể thiếu trong Tết tháng Bảy của người Tày cũng giống như xôi bảy màu không thể thiếu trong Tết tháng Bảy của người Nùng.

Bánh này được gói bằng lá chuối, bên trong có bột gạo nếp và nhân bánh. Lá chuối rừng sau khi hái về sẽ róc bỏ phần cuống và chọn lá không được rách, lá được phơi cho gần khô, lau sạch bằng khăn ướt. Phần bột làm bánh là bột gạo nếp được nghiền, nhào với quả chuối khô đã giã nhuyễn. Thường chọn những quả chuối to và chín đều, cắt làm đôi theo chiều dọc quả rồi đem phơi nắng hoặc sấy trên gác bếp. Nhân bánh có thịt gà và đỗ xanh, thịt gà được băm nhỏ, xào chín, nêm hạt tiêu, mắm, muối vừa đủ. Đỗ xanh ngâm nước, đãi vỏ, đồ hoặc nấu chín, sau đó giã cho thật nhuyễn rồi mang đi xào.

Sau khi chuẩn bị xong lá bánh, nhân bánh, vỏ bánh, phụ nữ Tày bắt đầu gói. Họ dùng một chút mỡ lợn xoa vào lòng bàn tay để bánh không dính, sau đó nặn bánh. Bánh sau khi gói xong được xếp vào chõ hấp khoảng 30 phút. Trong Tết tháng Bảy, đồng bào Tày còn gói thêm cả bánh chưng.

Vào ngày này, người ta thường mổ vịt để cúng tổ tiên và một mâm xôi ngũ sắc, đồ uống không thể thiếu là rượu nấu bằng men lá. Bài cúng tổ tiên trong Tết tháng Bảy với đại ý mời ông, bà tổ tiên về dự lễ và phù hộ cho con, cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Chính vì vậy, người ta chuẩn bị vài bộ quần áo bằng hàng mã để đốt dâng tổ tiên.

Cũng trong những ngày này, người Tày ở Dương Quỳ (Văn Bàn) có phong tục: Con rể của gia đình sẽ đem biếu bố, mẹ vợ một đôi vịt để tỏ lòng biết ơn, kính trọng và hiếu thuận, cảm ơn công nuôi dưỡng vợ mình. Ngày 14, 15 tháng Bảy, đại gia đình sẽ quây quần cùng nhau ăn bữa cơm sum họp.

Tết tháng Bảy là nét văn hóa đặc sắc của người Tày, có tính giáo dục biết nhớ ơn nguồn cội và thể hiện lòng hiếu thuận của con cháu đối với ông, bà. Đồng thời, Tết tháng Bảy cũng bảo tồn được giá trị di sản văn hóa ẩm thực phong phú và nét độc đáo riêng có của đồng bào Tày ở Lào Cai./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn