Xó pẹ” của phụ nữ Hà Nhì

Mỗi dân tộc thiểu số ở Lào Cai đều có những nét văn hóa đặc trưng, thể hiện trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục của từng tộc người. Với dân tộc Hà Nhì đen ở vùng cao Bát Xát, ngoài trang phục mang nét hoa văn riêng, còn có một nét độc đáo mà bất cứ ai gặp phụ nữ Hà Nhì đều nhận thấy và tò mò muốn biết. Đó là mái tóc giả đồ sộ vấn cao trên đầu của họ…
Chỉ len được nhuộm chàm trước khi tết thành “Xó pẹ”.

Chị Sào Thó Sơ ở bản Mò Phú Chải, xã Y Tý cho biết: Từ nhỏ, mẹ đã dạy chị cách vấn tóc như vậy. Con gái Hà Nhì ai cũng có mái tóc giả để làm duyên, như mọi người vẫn nói là “góc con người”… Tiếng Hà Nhì, mái tóc giả được gọi là “Xó pẹ”.

Theo các cụ cao niên trong bản Choản Thèn, xã Y Tý, con gái Hà Nhì tầm 13 - 14 tuổi trở lên sẽ được bà hoặc mẹ dạy cách làm tóc giả. Thời gian chừng 2 đến 4 tháng mới làm xong một bộ tóc này. Thường thì tóc giả được làm từ sợi chỉ bông, ngày nay người Hà Nhì làm bằng chỉ len đã nhuộm chàm hoặc củ nâu.

Tùy theo lứa tuổi mà có bộ tóc giả và cách vấn tóc khác nhau. Khi vấn tóc giả, phụ nữ Hà Nhì thường đội chiếc khăn trước, rồi buộc phần đầu của tóc giả với tóc thật, sau đó tết tóc thật cùng với phần chỉ len rồi buộc lại, kéo phần đã tết 1 vòng quanh đầu để giữ chặt lại, tiếp đến là buộc chiếc khăn mình vừa đặt lên trên đầu, cuối cùng là đặt mảnh khăn ở trên cùng.

Phụ nữ Hà Nhì thường vấn tóc giả trên đầu.

Cô gái chưa lập gia đình sẽ có chiếc mũ trang trí nhiều loại chỉ màu xanh đỏ và hạt cườm; bộ tóc giả ở phần cuối được buộc thành 3 chùm và giữa có 1 chùm nhiều màu sắc giống như bông hoa. Thế nên, tóc giả trở thành biểu tượng sắc đẹp cho con gái Hà Nhì, họ ví phụ nữ đẹp như hoa. Khi đội tóc giả, các cô gái đội lệch để các quả tua len ra bên trái, tạo nét duyên dáng cho người đội.

Đối với phụ nữ có chồng, họ cũng có bộ tóc giả giống như các cô gái trẻ nhưng không có chiếc mũ, thay vào đó là chiếc khăn vuông, trên cùng có mảnh khăn trang trí hoa văn hai bên và gắn các tua chỉ ở phần dưới. Đối với phụ nữ 35 - 40 tuổi trở lên, tóc giả lại khác một chút, khi họ đội quả tua thường thẳng ở chính giữa đầu. Điểm khác biệt lớn nhất của bộ tóc giả ở phụ nữ có chồng là mảnh khăn đính tua đuôi đội ở trên cùng với ý nghĩa để giữ lại hồn vía, bắt buộc đối với phụ nữ khi họ tham dự các buổi lễ quan trọng trong cộng đồng.

Hầu hết phụ nữ Hà Nhì ai cũng sắm cho mình ít nhất 1 bộ “Xó pẹ”. Một trong những tiêu chuẩn để các chàng trai Hà Nhì chọn vợ là sự khéo léo của các cô gái học làm tóc giả và vấn tóc làm sao để có bộ tóc đẹp. Tóc giả trở thành phụ kiện không thể thiếu trong đời sống, để phụ nữ Hà Nhì làm đẹp và dùng trong các dịp tết cổ truyền, lễ hội, đám cưới, đi chợ...

Theo LCĐT (http://baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/xo-pe-cua-phu-nu-ha-nhi-z8n20200529101412396.htm)

Tin Liên Quan

Sắp diễn ra chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung”

Hoạt động trao tặng sách và chương trình nghệ thuật - giao lưu văn hóa “Ánh trăng sông Hồng - thơ tết Trung thu Việt - Trung” năm 2024 sẽ diễn ra tại Lào Cai vào ngày 12/9.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích dinh Hoàng A Tưởng dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024

Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc và đang tập trung thực hiện sơn tường, lát sân tầng 1, sân phía sau… và dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2024.

[Ảnh] Ấn tượng Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn 2024

Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn năm 2024 đang diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người dân và du khách thập phương, tạo nên không khí sôi động, náo nhiệt, khiến kỳ nghỉ lễ thêm phần ý nghĩa.

[Ảnh] Đặc sắc mâm cỗ tại Hội thi ẩm thực

Hội thi ẩm thực là một trong những hoạt động hấp dẫn tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Văn Bàn. Hội thi thu hút 21 đội thi đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia, với thành viên là những người có tay nghề nấu ăn ngon và am hiểu về ẩm thực truyền thống của địa phương.

Thổ cẩm và sản phẩm du lịch ở Lào Cai

Ở Lào Cai, thổ cẩm phong phú cả về loại hình, chất liệu và nghệ thuật. Thổ cẩm là nguồn lực, chất liệu xây dựng sản phẩm du lịch, có sức hút đặc biệt đối với du khách.

Trăm năm kể chuyện nghề Rèn