Giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả có múi

Những năm gần đây, diện tích trồng cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, hầu hết các địa phương có mô hình trồng bưởi, cam, quýt, chanh... Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2015, năm 2016 mới có khoảng 700 ha nhưng đến năm 2020 đã đạt hơn 1.500 ha và dự báo sẽ tăng trong những năm tiếp theo.
Mô hình trồng cam ở xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn.

So với mục tiêu phát triển cây ăn quả được đề ra từ Quyết định số 2495 ngày 26/9/2012 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Lào Cai đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, thì tổng diện tích cây ăn quả có múi đến năm 2020 đã vượt vài trăm ha. Trong đó, tăng nhanh là diện tích quýt (từ 100 ha lên hơn 650 ha), bưởi (từ 120 ha lên 446 ha) và chanh (từ 50 ha lên 157 ha), tập trung ở các địa phương: Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương và thành phố Lào Cai. Sản lượng quả có múi hằng năm đưa ra thị trường đạt từ 3.000 đến 5.000 tấn quả, chủ yếu nội tiêu trong tỉnh, bình quân đạt hơn 80 triệu đồng/ha.

Huyện Bảo Thắng có diện tích cây ăn quả có múi phát triển nhanh trong những năm qua, với những loại cây như bưởi, cam, chanh... Theo ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, toàn huyện hiện có hơn 500 ha cây ăn quả có múi, chủ yếu ở một số xã như Thái Niên, Xuân Quang, Trì Quang, Sơn Hải và Gia Phú. Điển hình như ở xã Thái Niên, bưởi Múc đang là cây trồng chủ lực mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Năm 2012, xã Thái Niên mới có khoảng 20 ha, đến cuối năm 2019 đã tăng lên 185 ha.

Mặc dù diện tích cây bưởi Múc và cây chanh ở Bảo Thắng tăng nhanh, song mỗi năm giá lại giảm xuống. Ví dụ, năm 2015, giá mỗi quả bưởi Múc đạt trên dưới 40.000 đồng, đến cuối năm 2019 chỉ còn 20.000 đồng; giá quả chanh ở Xuân Quang năm 2015 trung bình từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg. “Nguyên nhân là do sản lượng tăng, trong khi nhu cầu thị trường bão hòa vì nguồn cung dồi dào. Cùng với đó, chất lượng quả không bằng sản phẩm cùng loại được trồng tại một số tỉnh khác có thương hiệu nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn” - ông Đỗ Hồng Quân cho biết.

Tương tự, tại huyện Mường Khương, diện tích cây quýt cũng phát triển rất nhanh; năm 2012, toàn huyện mới có khoảng 100 ha, nhưng đến năm 2020 đã là 653 ha (quýt chính vụ có 463 ha). Sản lượng quả quýt năm 2019 đạt 1.600 tấn, mang lại thu nhập khá cao cho nhiều hộ nông dân.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, bài toán lớn đặt ra với cây quýt hiện nay là diện tích tăng nhanh nhưng việc kiểm soát chất lượng giống, vùng trồng và quy trình chăm sóc đang gặp nhiều khó khăn do nhiều hộ trồng quýt chưa được đào tạo sâu về kỹ thuật canh tác nên chất lượng quả không đồng đều. Nếu trong thời gian tới, việc nâng cao chất lượng sản phẩm không được các hộ quan tâm thì khó cạnh tranh với quýt cùng loại từ bên kia biên giới và các tỉnh bạn tràn về.

Trong những năm qua, diện tích cây ăn quả có múi trong tỉnh tăng nhanh.

Những vấn đề đặt ra với cây ăn quả có múi ở Bảo Thắng và Mường Khương cũng là tình trạng chung của các địa phương khác như Văn Bàn, Bảo Yên và thành phố Lào Cai. Ông Nguyễn Mạnh Thành, Trưởng Phòng Trồng trọt - Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Qua khảo sát thực tế, một số địa phương đang phát triển cây trồng có múi không theo định hướng quy hoạch. Hầu hết các mô hình trồng cây ăn quả có múi có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng giống chưa cao, kỹ thuật chăm sóc chưa được quan tâm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả. Mặt khác, việc tổ chức liên kết sản xuất còn ít, thiếu doanh nghiệp lớn tham gia nên khó quản lý về truy xuất nguồn gốc; hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm chưa chuyên nghiệp dẫn đến giảm sức cạnh tranh.

Bài toán đặt ra với cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh là diện tích trồng được mở rộng nhanh, sản lượng tăng cao nhưng chất lượng không đồng đều, thậm chí nhiều loại quả có múi chất lượng chưa cao. Trong khi đó, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh dưới dạng quả tươi, chưa có sản phẩm được chế biến để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nên cây ăn quả có múi của tỉnh gặp khó bởi thiếu nơi tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định: Để phát triển bền vững cây ăn quả có múi thì điều tiên quyết là duy trì diện tích ở mức độ vừa phải, chỉ mở mới diện tích phù hợp với quy hoạch, chất lượng giống tốt. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Khoa học và Công nghệ cần phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm cây ăn quả có múi chất lượng của Lào Cai. Ngoài ra, chính quyền các cấp và ngành chức năng phải kết nối được với các doanh nghiệp, hợp tác xã để cùng tham gia đầu tư từ khâu sản xuất đến thu hoạc; tăng cường kiểm tra giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và quy trình chăm sóc, đảm bảo có sản phẩm tốt nhất.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số mô hình trồng cây ăn quả có múi với quy mô lớn như mô hình trồng quýt theo quy trình VietGAP tại Mường Khương (212 ha); Dự án trồng cam V2 tại xã Thái Niên (Bảo Thắng) của Công ty TNHH Hoàng Lan (hơn 100 ha); Dự án trồng bưởi Diễn, cam Cao Phong, cam canh chất lượng cao thuộc các xã phía Nam của huyện Văn Bàn (hơn 60 ha); mô hình chuyên canh cam V2 tại xã Nậm Sài, huyện Sa Pa (gần 20 ha)… đang có sản lượng lớn, chất lượng cao, đầu ra ổn định, là những mô hình tốt để các địa phương tham khảo.

 

http://baolaocai.vn/kinh-te/giai-phap-phat-trien-ben-vung-cay-an-qua-co-mui-z3n2020041208404663.htm

Theo Phạm Sơn/LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch Lào Cai sau cơn bão số 3 (Yagi)

Sáng 20/9, Sở Du lịch phối hợp với Hiệp Hội du lịch tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sau ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi).

Động lực để Lào Cai vươn lên sau bão lũ

Trong những ngày qua, hoàn lưu bão số 3 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tỉnh Lào Cai. Giữa những đau thương và khó khăn bộn bề ấy, tỉnh Lào Cai nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay ủng hộ của cả xã hội.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh: Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn trân quý, khắc ghi sự sẻ chia của đồng bào cả nước

Những ngày qua, Ban Vận động cứu trợ tỉnh với cơ quan thường trực là Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận sự ủng hộ rất lớn về tiền và vật chất từ nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tình cảm đặc biệt, nghĩa cử cao đẹp ấy luôn được...

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).